Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT hộ gia đình

23/06/2020 09:59 AM


Với mục đích tăng diện bao phủ, thực hiện BHYT toàn dân, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình được thực hiện từ năm 2015 theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT theo hộ gia đình tại một số địa phương chưa cao. Với mục đích tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện phỏng vấn sâu 391 chủ hộ gia đình chưa tham gia BHYT và các bên liên quan; bao gồm UBND xã, cơ quan BHXH và cơ sở k.hám, chữa bệnh tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Kết quả nghiên cứu phần nào cho thấy có những yếu tố tác động đến việc chưa tham gia BHYT của các hộ gia đình.ởng đến việc tham gia BHYT hộ gia đình.

(Ảnh minh họa)

Khả năng chi trả mức đóng tham gia BHYT

Đây là lý do không tham gia BHYT hộ gia đình thường gặp nhất (chiếm 52,7%), nhất là những gia đình đông người hoặc hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Để khắc phục vấn đề này, kinh nghiệm của một số nước là Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn phần mức phí tham gia BHYT. Ví dụ, tại Thái Lan, chương trình “BHYT toàn dân” đã chuyển đổi từ cơ chế đóng phí sang ngân sách Nhà nước chi trả và nhanh chóng bao phủ BHYT toàn dân. Một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan, cơ quan BHYT đều hỗ trợ một phần chi phí tham gia BHYT cho người lao động phi chính thức (không thuộc diện người nghèo). Dùng ngân sách nhà nước để bao phủ BHYT cho khu vực lao động phi chính thức có nhiều lợi ích, bao gồm giảm bớt công việc hành chính về phân loại, xác định thu nhập, thu đóng và tránh nguy cơ lựa chọn ngược. Tuy nhiên, cũng cần xem xét tác động tới ngân sách. Kinh nghiệm Philipinnes giải quyết vấn đề này thông qua việc sử dụng nguồn thu thuế từ các hàng hóa như rượu, bia, thuốc lá để hỗ trợ mức đóng BHYT.

Tâm lý "cậy" khỏe

Qua khảo sát cho thấy, tình trạng “sức khỏe tốt” là lý do không tham gia BHYT của 27,4% hộ gia đình. Nhiều gia đình quan niệm là họ không có lợi ích trong việc tham gia BHYT khi khỏe mạnh. Cụ thể như: “Chúng tôi đã từng mua thẻ BHYT, nhưng sau đó chúng tôi dừng không mua nữa vì chúng tôi khỏe mạnh, không cần dùng đến thẻ BHYT” (Nam, chủ hộ gia đình).

Điều này cho thấy nguy cơ lựa chọn ngược (chỉ người ốm mới tham gia BHYT) nếu không bắt buộc cả hộ gia đình tham gia cùng một thời điểm. Đại diện của các bên liên quan (BHXH và cơ sở khám, chữa bệnh) trong nghiên cứu này đều khẳng định sự cần thiết bắt buộc cả hộ gia đình tham gia cùng một thời điểm để chia sẻ rủi ro giữa người khỏe cho người ốm, hạn chế tình trạng lựa chọn ngược.

Kiến thức về BHYT theo hộ gia đình

Thiếu hiểu biết về chính sách BHYT cũng là một trong những trở ngại tham gia BHYT. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, khoảng 38% chủ hộ gia đình chưa rõ về nội dung chính sách BHYT theo hộ gia đình. Trong đó, tỷ lệ chưa hiểu biết khá cao đối với mức đóng (66,2%); cùng chi trả (74,9%); địa điểm mua thẻ (54,5%), và quyền lợi BHYT (51,1%).

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra nguồn thông tin về BHYT hộ gia đình chủ yếu nhận được từ Trạm Y tế và nhân viên y tế thôn (38%); tiếp đến từ loa phát thanh (20%); Người thân/hàng xóm/bạn bè (20%); Có khoảng 19% thông tin nhận được được từ phương tiện thông tin đại chúng như đài, báo và tivi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, vai trò quan trọng của nguồn thông tin từ cộng đồng dân cư. Tại Việt Nam, với mạng lưới trạm y tế và mà nhân viên y tế thôn, bản rộng khắp có thể là lựa chọn phù hợp là nơi đăng ký mua thẻ BHYT hộ gia đình cũng như truyền thông về chính sách BHYT.

Chất lượng khám, chữa bệnh

Chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu là lý do quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định tham gia BHYT của hộ gia đình. Cụ thể có 14,6% hộ gia đình chưa tham gia vì lý do chất lượng: “Chúng tôi muốn tham gia BHYT, nhưng vì chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa đảm bảo, như thái độ không thân thiện, không đủ thuốc, thủ tục hành chính rườm rà và thời gian chờ KCB lâu” (Nữ, chủ hộ gia đình).

Một lý do nữa mà hộ gia đình không tham gia đó là mặc dù có thẻ BHYT vẫn phải trả tiền túi. Ví dụ, một hộ gia đình trả lời: “Mặc dù có thẻ BHYT, nhưng vẫn phải tự mua thêm thuốc ở bên ngoài” (Nam, chủ hộ gia đình)

Kinh nghiệm tại Thái Lan cho thấy, sự đầu tư NSNN cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực cũng như các chính sách khuyến khích tài chính phù hợp là công cụ hữu hiệu để khuyến khích cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường chất lượng dịch vụ, thu hút người dân tham gia BHYT.

Mặc dù BHYT theo hộ gia đình là hình thức bắt buộc, nhưng việc bao phủ BHYT đối với những đối tượng còn lại vẫn là thách thức lớn. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự hỗ trợ mức đóng BHYT hộ gia đình từ nguồn ngân sách nhà nước; tăng cường chất lượng dịch vụ y tế và hiểu biết của hộ gia đình về chính sách BHYT là những yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hộ gia đình tham gia.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội