Thực hiện nghiêm Luật BHYT, hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

01/07/2020 10:38 AM


Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển.

Tuyên truyền lưu động chính sách BHXH, BHYT tại Lai Châu

Sau 30 năm đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước, gần 30 năm thực hiện chính sách BHYT, chúng ta đã tiến dần tới mục tiêu BHYT toàn dân với 90% người dân tham gia BHYT – tiệm cận rất gần mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Tiếp tục kiên định mục tiêu ấy, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Với quan điểm “Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được đảm bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số, trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ  y tế đạt trên 80%...

Xác định BHYT toàn dân là giải pháp quan trọng trong đổi mới cơ chế tài chính y tế quốc gia, cũng tại Nghị quyết 20-NQ/TW Đảng ta tiếp tục nhất quán quan điểm: Từng bước chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT và quyền lợi người tham gia BHYT, cơ sở y tế.

Nhìn vào kết quả thực hiện chính sách, pháp luật BHYT trong 10 năm trở lại đây, với tỷ lệ 90% dân số đã có BHYT, bình quân mỗi năm có hàng trăm triệu lượt người được quỹ khám, chữa bệnh BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh, trong đó có hàng trăm lượt người mắc các bệnh hiểm nghèo được chi trả chi phí lớn, lên tới hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ đồng, càng khẳng định bản chất ưu việt, nhân văn, tính xã hội chủ nghĩa của BHYT mà Đảng, Nhà nước ta ban hành và tổ chức thực hiện.

Chặng đường phía trước với nhiệm vụ bao phủ BHYT tới 10% dân số còn lại sẽ hết sức gian nan. “Thực hiện nghiêm Luật BHYT” trước hết cần đi từ việc quán triệt và đảm bảo tính tuân thủ quy định “BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc toàn dân” đến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, để khám, chữa bệnh BHYT thực sự tạo sự hấp dẫn “tự thân”; hiện đại hóa công tác giám định BHYT, kịp thời ngăn ngừa lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tham gia BHYT, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT bền vững.

"Thực hiện nghiêm Luật BHYT" - cần đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ hơn công tác  truyền thông về BHYT, không chỉ dừng lại ở vận động phát triển đối tượng, tăng diện bao phủ mà cần mở rộng một cách toàn diện hơn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các chủ thể tham gia, tổ chức thực hiện, quản lý Nhà nước về BHYT, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật BHYT, tạo nền tảng để bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe./.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội