Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Của để dành của người lao động tự do
26/06/2020 09:08 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, người lao động (NLĐ) sẽ được hưởng nhiều quyền lợi. Do đó, sau khi được tuyên truyền, nhiều NLĐ tự do đã đăng ký tham gia.
Cán bộ BHXH tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện cho bà con tiểu thương tại chợ Rồng (TP.Nam Định, tỉnh Nam Định). Ảnh: Kim Chi
Đóng ít, hưởng nhiều quyền lợi
Anh Đoàn Tất Thảo (25 tuổi, quê Vũ Thư, Thái Bình) là người lao động (NLĐ) tự do. Qua tìm hiểu, anh Thảo được biết, từ ngày 1.1.2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện tại là 700.000 đồng). Cụ thể: Người tham gia thuộc hộ nghèo tỉ lệ hỗ trợ là 30%; người tham gia thuộc hộ cận nghèo tỉ lệ hỗ trợ là 25%; các đối tượng khác tỉ lệ hỗ trợ là 10%.
Ở quê, gia đình anh Thảo thuộc loại cận nghèo, nên khi tham gia BHXH tự nguyện, anh được hưởng mức hỗ trợ là 25% (tương đương 38.500 đồng/người/tháng)… Từ khi tham gia BHXH tự nguyện, anh Thảo tự tin hơn hẳn bởi anh cho rằng mình đã có một khoản tiết kiệm khi về già.
Theo bà Đinh Mai Hạnh - Phó Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam, khi tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ sẽ được hưởng những quyền lợi, đó là: Hưởng lương hưu (khi nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên và có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên); được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT khi đang hưởng lương hưu (không phải mua BHYT); lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với Quỹ BHXH.
Ngoài các quyền lợi trên, NLĐ khi tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng các quyền lợi như: Thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH; người đang hưởng lương hưu, hoặc người đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần; được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm…
Làm nông dân cũng có lương hưu
Ở vùng quê nghèo huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), trước đây, nhiều người nông dân chân lấm tay bùn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có lương hưu khi về già.
Khi được nghe những thông tin chia sẻ từ hội nghị truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện do BHXH huyện, Bưu điện và UBND xã tổ chức vào năm ngoái, nhiều người mới vỡ lẽ chính sách BHXH được bao phủ đến mọi NLĐ. Không chần chừ, chị Bùi Thị Hà (36 tuổi), một mình nuôi hai con nhỏ, thuộc hộ cận nghèo ở xã Hải Tân đã đóng BHXH tự nguyện ngay sau hội nghị kết thúc để lo cuộc sống sau này.
Bà Võ Thị Thanh là 1 trong 4 người đầu tiên ở xã Hải Tân được nhận sổ hưu từ việc tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 5.2020 với mức lương gần 2 triệu đồng/tháng. Chưa kể, bà được cấp thẻ BHYT với mã quyền lợi đối tượng hưu trí để chăm sóc sức khỏe tuổi già. Thấy bà Thanh được nhận lương hưu, những người dân trong xã cũng quan tâm tìm hiểu.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định - ông Nguyễn Cửu Long - cho biết, hơn 700 đại lý thu của các tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Bưu điện như “cánh tay nối dài” xuống tận người dân để tuyên truyền về ý nghĩa thiết thực của chính sách BHXH tự nguyện đối với cuộc sống, từ đó người dân hiểu và tích cực tham gia. Tính đến nay, toàn tỉnh phát triển được hơn 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Báo Lao động
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số