Công cuộc đổi mới và những dấu ấn Hồ Chí Minh (Bài 01)

06/08/2020 07:52 AM


Công cuộc đổi mới đã đi qua chặng đường gần 35 năm, đạt được những thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Nhìn lại những thành tựu của công cuộc đổi mới và con đường đi tới của sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đều có thể tìm thấy trong di sản Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, chú trọng xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Kinh nghiệm đầu tiên này thể hiện đậm nét trong di sản của Bác nửa thế kỷ lãnh đạo cách mạng, ngay từ những năm hai mươi, Bác đã khẳng định cách mạng trước hết phải có Đảng. Đảng có vững cách mạng mới thành công. Từ khi Đảng ta ra đời, đặc biệt từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, Người hết sức chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Bác chú ý nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, coi đó là “cốt”, là trí khôn, là bàn chỉ nam, là cái cẩm nang thần kỳ của Đảng. Người giáo dục Đảng giữ vững đường lối, lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi tình huống, sóng gió của tình hình thế giới và trong nước, không dao động, ngả nghiêng, lúc “tả” lúc "hữu". Người chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đặc biệt coi chi bộ là hạt nhân lãnh đạo.

Người quan tâm đến vấn đề cán bộ, từ việc hiểu, đánh giá đúng cán bộ, quý trọng cán bộ, đến sử dụng, cất nhắc cán bộ. Nhận thức rõ vai trò, vị trí của cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy; là tiền vốn của Đảng; là cái gốc của mọi công việc, Người khẳng định vấn đề cán bộ quyết định mọi việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Trên cơ sở đó, Người chú trọng công tác cán bộ bằng việc huấn luyện, đào tạo, nhất là dạy dỗ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Với Bác, điều quan trọng nhất là cái chất của cán bộ, thể hiện ở đạo đức và tài năng mà cốt lõi là có ý thức tu thân, luôn luôn biết đặt lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, trước hết, chống tham ô, nhũng lạm, lãng phí, quan liêu. Không có đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân. Nhưng có đức mà không có tài thì cũng như ông bụt trong chùa. Người đặc biệt quan tâm đến cán bộ cốt cán (cấp chiến lược), những người có chức có quyền, đặc biệt là chức vụ lớn thì càng phải gương mẫu. Bởi vì, cán bộ các cơ quan ít nhiều đều có quyền hành, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm, không có đạo đức là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút. Bác đúc kết “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho thấy nói đến Đảng, cán bộ, đảng viên thì việc tu thân, chính tâm có ý nghĩa quyết định. Cán bộ, đảng viên không đánh thắng lòng tà trong mình, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì không thể “trị quốc bình thiên hạ”. Bác lo lắng trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên có chút quyền hành trong tay rất dễ hư hỏng. Vì vậy, phải kiểm soát quyền lực, trong đó kiểm soát từ dưới lên, tức là quần chúng nhân dân kiểm soát cán bộ là tốt nhất. Trong Di chúc Bác dặn rằng Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Với Bác, trong điều kiện Đảng cầm quyền, điều có ý nghĩa nhất của cán bộ là biết làm đày tớ Nhân dân, phục vụ Nhân dân và phải làm cho tốt. Không viết lên trán, mà viết trong tim chữ “cộng sản”.

Bác cũng đặc biệt quan tâm tới đoàn kết trong Đảng. Người dặn phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Có đoàn kết trong Đảng tốt thì mới có thể đoàn kết dân tộc tốt. Có đoàn kết được dân tộc mới thực hiện được đoàn kết quốc tế.

Thứ hai, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “Dân là gốc”; Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới

Nhân dân là một phạm trù văn hóa chính trị trong di sản Hồ Chí Minh được Người nói, viết và bàn đến nhiều nhất. Quan điểm xuyên suốt của Bác là phải thực hiện nguyên tắc “Theo đúng đường lối Nhân dân”, “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Trong di sản của Bác toát lên nhiều quan điểm về vai trò, vị trí của Nhân dân, như “trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của Nhân dân”; “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần, dân liệu cũng xong”. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong.

Ở những cách tiếp cận khác, Bác chỉ ra rằng dân chúng là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta; họ nhiều tai mắt, cái gì họ cũng nghe, cũng thấy, cũng biết. Có nhiều việc họ biết mà lãnh đạo không biết. Dân chúng tinh lắm, nhiều kinh nghiệm, hay so sánh. Họ biết phân biệt thật giả, đúng sai. Họ biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra.

Bác thường phê bình những cán bộ dương dương tự đắc, không coi ai ra gì, chỉ có mình là tài giỏi, thông thái, hiểu biết lý luận, chính trị. Còn Nhân dân là loại người “dân ngu khu đen”, không hiểu biết lý luận, chính trị cao xa như mình.

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ, rõ ràng, toàn diện vai trò của Nhân dân, Bác thường căn dặn Đảng, cán bộ, đảng viên phải ghi tạc vào đầu cái chân lý: dân rất tốt. Họ khôn khéo, thông minh, sáng tạo, hăng hái, anh hùng. Lúc học đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Vì vậy, chỉ thị, nghị quyết, khẩu hiệu, việc lớn, việc nhỏ đều phải phản ánh được khát vọng của quần chúng nhân dân, do quần chúng kiểm soát. Dựa vào quần chúng mà sửa chữa nghị quyết, cán bộ và tổ chức của ta.

Quan điểm bao trùm, xuyên suốt về dân của Bác là Nhà nước của dân, do dân, vì dân; Đảng, Nhà nước lấy dân làm gốc. Mọi việc phải xuất phát từ dân và lấy hạnh phúc, sự hài lòng của dân làm thước đo. Cả đời Bác chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Vì vậy, theo Người phải đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi. Đảng, Chính phủ không chỉ lo giải phóng dân tộc mà còn phải lo làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.

Đảng, cán bộ, đảng viên phải nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, để quan tâm dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ và thực hành dân vận. Chỉ có như vậy thì dân mới tin Đảng. Mà có được niềm tin của dân là có tất cả. Ngược lại, nếu xa dân, quan liêu mệnh lệnh, mất niềm tin, chẳng khác gì đứng lơ lửng giữa trời, mất tất cả, nhất định thất bại.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội