Phát triển nguồn lực, chăm sóc toàn diện thế hệ trẻ

01/09/2020 10:06 AM


Để hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, trong những năm qua, học sinh - sinh viên (HSSV) luôn được xem là nhóm đối tượng quan trọng, cần “về đích” sớm với tỷ lệ tham gia 100%. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn việc thực hiện BHYT HSSV mang lại ý nghĩa và giá trị kinh tế - xã hội lớn khi đây là nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ), cung cấp dịch vụ y tế dự phòng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhóm người trẻ - nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Cán bộ y tế khám sức khỏe cho các em học sinh Trường tiểu học Liên Minh, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: THU HẰNG

Góp phần thực hiện BHYT toàn dân

Trong những năm qua, cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT, việc thực hiện BHYT HSSV đang ngày một hoàn thiện với những quy định pháp lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa cơ quan BHXH, các trường học và các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Sau 17 năm thực hiện theo hình thức tự nguyện, từ ngày 1-1-2010, với những điều chỉnh trong Luật BHYT năm 2008, nhóm HSSV đã trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT. Và đến ngày 1-1-2015, với sự điều chỉnh trong Luật BHYT năm 2014, nhóm HSSV chính thức trở thành đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, nhóm HSSV tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Có thể thấy, việc đặt trọng tâm vào nhóm đối tượng tiềm năng này không chỉ là quyết tâm của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, mà còn hướng tới mục tiêu quan trọng, là thông qua BHYT bảo đảm để thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất. 

Điều này được thể hiện rõ từ kết quả tổ chức, thực hiện chính sách BHYT HSSV cụ thể qua các năm học. Tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV không ngừng được tăng lên qua các năm. Năm học 2010 - 2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT, đến năm học 2012 - 2013 đã đạt khoảng 80%; năm học 2013 - 2014 đạt 85%; năm học 2014 - 2015 đạt 88,5% (tương ứng với gần 14,82 triệu HSSV); năm học 2015 - 2016 đạt 90,5% (tương ứng khoảng 15,6 triệu em) và đến năm học 2016 -  2017 tỷ lệ bao phủ đạt khoảng 92,5% (tương ứng khoảng 15,9 triệu HSSV). Tỷ lệ bao phủ tăng lên 93,5% năm 2017 - 2018 và đạt tỷ lệ 95,3% trong năm 2018 - 2019. Trong năm học 2019 - 2020, nhiều đơn vị trường học và một số địa phương đã tiến sát đến mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT. 

Với ý nghĩa tạo nguồn quỹ chăm lo sức khỏe, tạo nền tảng phát triển nguồn nhân lực khỏe mạnh cả về tinh thần và thể chất, BHYT HSSV cũng cho thấy lợi thế của mình với những hiệu quả thiết thực. Giống như mọi đối tượng tham gia chính sách nhân văn này, trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được tăng lên, HSSV cũng đang được hưởng thụ nhiều lợi ích từ quỹ BHYT, từ CSSKBĐ đến KCB.

Theo thống kê, mỗi năm đã có gần 1.000 tỷ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để thực hiện CSSKBĐ cho HSSV; kinh phí này được trích từ phần đóng BHYT của HSSV để lại cho nhà trường đã kịp thời hỗ trợ các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau. Mặc dù Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua CSSKBĐ tại nhà trường đang được bảo đảm phần lớn bởi nguồn kinh phí trích lại từ quỹ KCB BHYT cho hoạt động y tế trường học, trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh đầu năm học, tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh... Có thể nói, trong khi người dân nước ta vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, thì sự chăm sóc y tế dành cho HSSV thường xuyên, liên tục từ khi bắt đầu bước vào môi trường trường học có ý nghĩa vô cùng quan trọng. CSSKBĐ không chỉ giúp các em và gia đình phát hiện bệnh kịp thời, chăm sóc và tạo điều kiện điều trị các căn bệnh học đường, mà còn dự phòng nhiều căn bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính, nan y nguy hiểm, bảo đảm sức khỏe các em trong tương lai.

Bên cạnh đó, quỹ BHYT cũng giảm đến mức thấp nhất gánh nặng kinh tế cho gia đình HSSV trong việc chi trả chi phí KCB. Đã có hàng chục triệu lượt HSSV được quỹ BHYT chi trả kinh phí KCB tại các cơ sở y tế, trong đó có nhiều em mắc các bệnh hiếm, bệnh nan y, mạn tính được thanh toán đến hàng tỷ đồng; trong khi quỹ BHYT ở hầu hết các nước trên thế giới chưa chi trả cho các căn bệnh hiếm, thì quỹ BHYT của Việt Nam đã chi trả 30%.

Nâng cao nhận thức về BHYT cho học sinh, sinh viên

Hiện nay, mặc dù cả nước chỉ còn rất ít HSSV chưa tham gia BHYT, nhưng điều đó có nghĩa mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT vào năm 2017 mà Chính phủ đã đặt ra vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân cơ bản nhất là do nhận thức của số ít người dân vẫn chưa thấy rõ được tầm quan trọng của chính sách BHYT đối với cuộc sống của gia đình họ. Do đó, mục tiêu BHYT toàn dân nói chung, hay bao phủ BHYT đối với 100% HSSV nói riêng cần sự thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa của toàn xã hội đối với chính sách BHYT, mà không “trộn lẫn” chính sách an sinh xã hội (ASXH) này với bất kỳ loại hình BH sức khỏe thương mại nào khác.

Theo đánh giá của Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, việc phát triển BHYT HSSV những năm vừa qua đã có sự tiến bộ vượt bậc. Điều đó thể hiện trước hết ở nhận thức của những người làm công tác BHYT cho HSSV, từ cơ quan BHXH, cơ sở giáo dục, nhất là nhận thức của các bậc cha mẹ học sinh - những người có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục cho con em được nâng lên. Từng có trường hợp cha mẹ học sinh vì con mắc bệnh trọng, cần điều trị chi phí lớn sẵn sàng bỏ tiền ra mua BHYT cho cả lớp tham gia BHYT, mục tiêu là để con mình được điều trị theo BHYT; còn các em HS ngay từ bậc học phổ thông cũng có ý thức về thông báo cho bố mẹ, những người bảo trợ mình về việc tham gia BHYT HS như một nghĩa vụ, trách nhiệm chia sẻ cộng đồng trong tập thể lớp.

Tuy nhiên, trong năm học 2020 - 2021, để sớm đạt được mục tiêu 100% HSSV có BHYT, điều kiện đầu tiên là cần tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền với tổ chức thực hiện chính sách BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng; triển khai thực hiện tốt chính sách BHYT HSSV tại từng địa phương. Cơ quan BHXH cũng cần phát huy tính chủ động trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT HSSV; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thực hiện chính sách thông qua cải cách hành chính, chuyển mạnh sang tinh thần phục vụ đúng nghĩa. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo với vai trò chủ chốt, cần đưa chương trình giáo dục về ASXH nói chung, BHYT nói riêng vào chương trình giáo dục tại các nhà trường. Giáo dục tuyên truyền để cho HSSV, cha mẹ học sinh nâng cao nhận thức hơn nữa về chính sách BHYT; đồng thời, phối hợp các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện thể chế, để bảo đảm CSSKBĐ tại nhà trường, nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở y tế cho HSSV./.

Báo Nhân dân điện tử