BH thất nghiệp phát huy hiệu quả trong môi trường lao động nhiều biến động

17/11/2020 04:14 PM


Hàng triệu người mất việc do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh… đã được Quỹ BH thất nghiệp hỗ trợ một phần thu nhập giúp ổn định cuộc sống, cũng như được giới thiệu, đào tạo nghề để sớm quay lại thị trường lao động.

"Nới lỏng" điều kiện hỗ trợ

Mặc dù thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người SDLĐ về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về Hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của BCH Trung ương về cải cách chính sách BHXH... Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người SDLĐ được hỗ trợ còn hạn chế, xuất phát từ điều kiện tương đối cao so với khả năng đáp ứng trên thực tế của DN.

Trong bối cảnh cả NLĐ và người SDLĐ đều gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, để tháo gỡ vướng mắc nói trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp. Nghị định 61 đã giảm điều kiện để người SDLĐ được nhận hỗ trợ, cụ thể: Người SDLĐ gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với người SDLĐ có sử dụng dưới 200 lao động (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP trước đây quy định từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người SDLD có sử dụng từ 300 lao động trở xuống); từ 50 lao động trở lên đối với người SDLĐ có sử dụng từ 200 đến 1.000 lao động (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP trước đây quy định từ 50 lao động trở lên đối với ngươi SDLĐ có sử dụng từ 300 lao động trở xuống); từ 100 lao động trở lên đối với người SDLĐ có sử dụng trên 1.000 lao động, không kể lao động giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 1 tháng (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP trước đây quy định từ 100 lao động trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết HĐLĐ với thời hạn dưới 03 tháng).

Cùng với đó, Khoản 4 Điều 1 Nghị định 61 cũng mở rộng các trường hợp NLĐ được xác định là đang đóng BH thất nghiệp. Cụ thể, NLĐ đã đóng BH thất nghiệp của tháng chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc; NLĐ đã đóng BH thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc; NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị; NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị; NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị. Như vậy, với những quy định mới tại Nghị định 61, ngày càng có nhiều NLĐ được tham gia cũng như thụ hưởng chính sách BH thất nghiệp. Đồng thời, NLĐ, DN sẽ sớm được tiếp cận chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.

BH thất nghiệp phát huy hiệu quả

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP.Hà Nội, tính đến ngày 6/11/2020, Trung tâm DVVL Thành phố đã ghi nhận khoảng 71.142 trường hợp NLĐ đến làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp là là 68.777 người; 2.450 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề.

Ông Tạ Văn Thảo- Giám đốc Trung tâm DVVL TP.Hà Nội cho biết, đa phần NLĐ sau khi mất việc NLĐ đều trông chờ vào chế độ BH thất nghiệp, đây là mong muốn của NLĐ cũng như sự đa dạng về nhu cầu. Số lao động làm thủ tục thất nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy chính sách về BH thất nghiệp đã có sự thành công, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo NLĐ, DN tham gia BH thất nghiệp và số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước.

Báo cáo của Trung tâm DVVL Hà Nội cũng cho thấy, trong 5 năm gần đây số lao động tìm đến Trung tâm DVVL để xin hưởng trợ cấp BH thất nghiệp tăng trưởng từ 19- 21%/năm. Đa phần NLĐ đến Trung tâm hưởng BH thất nghiệp với mục đích tìm việc làm ổn định đảm bảo cuộc sống, mong muốn được hỗ trợ học nghề để có kỹ năng nghề tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường việc làm, có vị trí công việc phù hợp, đầy đủ hơn. Theo đó, chính sách BH thất nghiệp hiện hành với 4 chế độ đã được quy định gồm: Hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. NLĐ đến Trung tâm DVVL sẽ được hưởng 3 chế độ đầu, còn lao động sẽ thông qua DN sẽ được hưởng chế độ thứ tư.

NLĐ thất nghiệp là đối tượng bị tổn thương bởi họ không có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Đứng trước những khó khăn đó, Trung tâm đã triển khai nhiều hỗ trợ nhằm giúp đỡ NLĐ trong việc hưởng BH thất nghiệp cũng như tìm được công việc mới. Cụ thể, ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có những quy định cụ thể đối với NLĐ thất nghiệp trong thời gian đại dịch. Theo đó, lao động thất nghiệp được đảm bảo quyền lợi bằng cách gửi hồ sơ hoặc khai báo trực tuyến đến các Trung tâm DVVL. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tích cực thực hiện theo sự chỉ đạo của Cục Việc làm và Sở LĐ-TB&XH TP trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, thông tin tuyên truyền và hướng dẫn cho NLĐ thụ hưởng chính sách tốt nhất, đảm bảo quy định của pháp luật về chính sách BH thất nghiệp.

Cũng theo ông Tạ Văn Thảo, để công tác thực hiện chính sách H thất nghiệp ngày càng hiệu quả hơn, Trung tâm DVVL Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với Cục Việc làm- đơn vị tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH đẩy mạnh quan tâm và xây dựng đề án trình Chính phủ về thực hiện chính sách BH thất nghiệp. Trước thực trạng triển khai chính sách BH thất nghiệp hiện nay, nhất là trong bối cảnh đang ở giai đoạn hậu Covid-19, các cơ quan xây dựng chính sách có những điều chỉnh chính sách phù hợp, đặc biệt là những quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của NLĐ. Đồng thời, Trung tâm DVVL Hà Nội chú trọng thực hiện ứng dụng CNTT vào các khâu trong quy trình giải quyết nhằm giảm thời gian, nhanh chóng đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội