Việt Nam có danh mục thuốc mở rộng so với mức phí đóng BHYT

20/11/2020 11:05 AM


Đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số tổ chức nghiên cứu về tài chính y tế chỉ rõ, tại Việt Nam, chi tiêu về thuốc chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi cho y tế; tỷ lệ chi thuốc trên tổng chi KCB nói chung và KCB BHYT nói riêng đều cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế-xã hội.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tỷ lệ chi cho thuốc trong tổng chi từ Quỹ KCB BHYT có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn đang khá cao. Cụ thể: Năm 2015, số chi cho thuốc là trên 26 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3% tổng chi KCB BHYT. Năm 2016 là trên 31,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41%- mặc dù tỷ trọng có giảm so với năm 2015, nhưng về giá trị chi phí thuốc năm 2016 lại tăng 20% so với năm 2015. Năm 2017, tỷ lệ chi cho thuốc là 34,9% tổng chi KCB BHYT, tương ứng khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Năm 2018, chi từ Quỹ BHYT cho thuốc khoảng 39,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9%. Năm 2019 chi khoảng 41,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,55% chi KCB BHYT.

 

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng BHYT. So sánh danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT tại Việt Nam với danh mục thuốc chi trả BHYT tại một số quốc gia như Philippines, Thái Lan và danh mục thuốc thiết yếu của WHO, danh mục thuốc chi trả từ Quỹ BHYT tại Việt Nam đều mở rộng hơn về số lượng hoạt chất, các loại thuốc được Quỹ BHYT thanh toán. Đồng thời, danh mục này còn liên tục được cập nhật, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.

Đối với thuốc tân dược, hiện tại, Quỹ BHYT đang chi trả dựa theo Thông tư 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT và được sửa đổi, điều chỉnh bởi Thông tư 01/2020/TT-BYT ngày 16/1/2020 của Bộ Y tế. Về danh mục thuốc đông y, Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/3/2015 ban hành và hướng dẫn danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Như vậy, danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT hiện nay cơ bản đã bao phủ các thuốc điều trị ở các chuyên khoa trong lĩnh vực tân dược và thuốc y học cổ truyền.

Đáng lưu ý, Thông tư số 30/2018/TT-BYT chỉ quy định theo tên hoạt chất, đường dùng của thuốc, không quy định cụ thể nồng độ, hàm lượng của thuốc. Theo đó, danh mục thuốc hóa dược và sinh phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT được sắp xếp vào 27 nhóm lớn theo tác dụng điều trị, với 1.030 hoạt chất và phối hợp, tương ứng với hàng chục nghìn thuốc theo tên thương mại với hàm lượng, dạng bào chế khác nhau và cơ sở sản xuất khác nhau. Trong 1.030 hoạt chất và phối hợp này, chỉ có 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm quy định điều kiện, tỷ lệ chi trả (Quỹ BHYT chi trả từ 30-70%, phần lớn là 50-70%). Danh mục thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT có 59 thuốc, được sử dụng không theo phân hạng BV và chỉ được sử dụng tại các cơ sở KCB được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện việc chẩn đoán, điều trị bằng phóng xạ.

So với Thông tư số 40/2014/TT-BYT, Thông tư số 30/2019/TT-BYT đã bổ sung mới 61 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị; bổ sung dạng dùng của 6 thuốc, mở rộng tuyến sử dụng của 69 thuốc, mở rộng điều kiện thanh toán 10 thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán 6 thuốc nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ BHYT tăng cường tiếp cận thuốc.

Về danh mục thuốc y học cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 về danh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, với 229 chế phẩm và 349 vị thuốc. So với Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, danh mục này đã tăng 102 chế phẩm và 49 vị thuốc, được áp dụng cho tất cả các cơ sở KCB, bao gồm BV Y học cổ truyền, BV có Khoa Y học cổ truyền, kể cả Trạm Y tế xã có đủ điều kiện KCB BHYT theo quy định.

Việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở KCB không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu KCB và khả năng chi trả của Quỹ BHYT, cơ sở KCB xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp. Trong những trường hợp cơ sở KCB không cung ứng được thuốc để điều trị cho người bệnh, cơ sở KCB cần chuyển người bệnh đến các cơ sở cung ứng đầy đủ thuốc và điều kiện để điều trị cho người bệnh, nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ BHYT, theo định kỳ, Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục; đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội