40 ngày cuối năm 2020: Ngành BHXH Việt Nam cần phát triển 1,7 triệu người tham gia BHYT

20/11/2020 10:16 PM


Chiều 20/11, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì Hội nghị, với sự tham gia của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và các điểm cầu 63 BHXH tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Mục tiêu không có “điểm lùi”

Nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT trong giai đoạn này, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, từ nay đến cuối năm, toàn Ngành sẽ phải phát triển thêm trên 1,7 triệu người tham gia BHYT mới đạt được chỉ tiêu bao phủ 90,9% dân số.

Theo số liệu tổng hợp của Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ, tính đến 15h ngày 19/11/2020, số người tham gia BHYT trên toàn quốc là 86,35 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 89,2% dân số tham gia BHYT. Mặc dù đã tăng 418,6 nghìn người so với cuối năm 2019, nhưng tỷ lệ bao phủ này hiện đang còn khoảng cách 1,5% so với chỉ tiêu được giao trong Quyết định 1167/QĐ-TTg giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2016-2020. Theo đó, kết thúc năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc phải đạt 90,7%.

So với kế hoạch BHXH Việt Nam giao cho BHXH các địa phương trong năm 2020 (đạt tỷ lệ bao phủ 90,9% đân số), số người tham gia BHYT cũng mới đạt 98,1% kế hoạch.

Kết quả tổng hợp cho thấy, hiện có 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT cao hơn chỉ tiêu giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg; có 40 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp hơn chỉ tiêu giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg. Một số tỉnh có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu giao: Bạc Liêu (thấp hơn 12,3%), Bình Thuận (thấp hơn 9,7%), Tây Ninh (thấp hơn 9,7%), Đồng Nai (thấp hơn 8,4%), TP.Hồ Chí Minh (thấp hơn 8%)…

Nhắc lại quyết tâm của BHXH Việt Nam nhất định phải thực hiện được mục tiêu đã đặt ra, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị lãnh đạo BHXH các địa phương nhận diện rõ nguyên nhân khiến số phát triển đối tượng BHYT chưa đạt, chỉ rõ từng nhóm đối tượng và các giải pháp phát triển đối tượng. Năm 2020 là năm khó khăn chung với nền kinh tế, tác động không nhỏ đến hoạt động nghiệp vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ngành. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển đối tượng BHYT theo Quyết định 1167 là không có "điểm lùi" bởi đó là quyết tâm và nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho ngành BHXH. "Chúng ta còn nhiều dư địa để mở rộng số người tham gia BHYT, đòi hỏi BHXH các địa phương phải linh hoạt và sát sao hơn trong triển khai mục tiêu này", Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh.

Cần chủ động và linh hoạt các giải pháp

Hướng dẫn một số giải pháp thực hiện, ông Dương Văn Hào-Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ lưu ý điểm mới mà một số địa phương chưa thật sự quan tâm như “đưa” nhóm NLĐ vừa tạm dừng, chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vào tham gia BHYT hộ gia đình.

Ông Hào chỉ rõ: Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn cho nhóm đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện để không gián đoạn thời gian tham gia BHXH. Tương tự, nhóm đối tượng này hoàn toàn có thể tham gia BHYT hộ gia đình, mà không vướng bất kỳ quy định pháp luật nào. Bên cạnh đó, chia sẻ thực trạng nhiều địa phương chỉ tập trung vào phát triển mới, mà đang “bỏ sót” nhóm đối tượng đã tham gia BHYT nhưng lại bỏ dở giữa chừng, ông Hào cho rằng, đây cũng là phần “dư địa” đáng kể để tăng số người tham gia vào hệ thống BHYT.

Đặc biệt, nhấn mạnh tiềm năng lớn ở nhóm HSSV, ông Hào phân tích, theo số liệu thống kê, toàn quốc hiện đang có khoảng 23 triệu HSSV, nhưng hiện nay số tham gia BHYT mới có khoảng 21 triệu. Số chưa tham gia của nhóm HSSV, theo báo cáo của các địa phương thì tập trung chủ yếu ở sinh viên các trường đại học, cao đẳng năm thứ hai trở đi. Tỷ lệ tham gia BHYT tại các trường dạy nghề cũng rất thấp, có nơi chưa đạt được 50%.

Để tăng nhanh số đối tượng tham gia BHYT trong 40 ngày cuối năm 2020 này, Ban Quản lý Thu và Sổ, thẻ chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH, cơ sở giáo dục vận động 100% HSSV, đặc biệt HSSV các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, học sinh lớp 10, sinh viên năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT. Phối hợp với các đại lý thu (Bưu điện, phường xã…) tăng cường tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT bằng nhiều hình thức linh hoạt như vận động trực tiếp, tổ chức hội nghị khách hàng… Ưu tiên tuyên truyền vận động nhóm đối tượng tiềm năng có thu nhập, người lao động đang bảo lưu, hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạm hoãn hợp đồng lao động, HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục, dạy nghề…

Đồng thời, lãnh đạo BHXH các địa phương cần tổ chức phân công lãnh đạo, cán bộ tăng cường triển khai công tác rà soát dữ liệu từ cơ quan Thuế, dữ liệu từ cơ quan quản lý lao động, Kế hoạch và Đầu tư để phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trích Ngân sách địa phương hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mua tặng thẻ BHYT cho người dân, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là tại các địa phương bị thiệt hại do mưa, lũ. Hoạt động này cũng được BHXH Việt Nam thực hiện, tặng thẻ BHYT cho người dân vùng lũ...

Báo cáo tại Hội nghị, Lãnh đạo BHXH một số địa phương đang có số tăng trưởng “âm” so với năm 2019 cũng chia sẻ các nguyên nhân và giải pháp mở rộng đối tượng trong những ngày cuối năm. Thừa nhận những khó khăn chung của nền kinh tế do đại dịch Covid-19, nhiều địa phương cũng gặp những vướng mắc riêng như: Tỷ lệ lớn người dân “thoát nghèo”, không còn thuộc nhóm đối tượng được NSNN hỗ trợ mua thẻ BHYT nên ra khỏi hệ thống BHYT; hệ thống đại lý mỏng, kỹ năng tuyên truyền của nhiều nơi chưa đủ thuyết phục; một số cán bộ thu chưa bám sát cơ sở trường, phường, xã, thị trấn...

Khẳng định quyết tâm của ngành Bưu điện hoàn thành chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao, bà Chu Thị Lan Hương- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 10/2020, hệ thống Bưu điện đã phát triển được 43 triệu người tham gia BHYT, đạt 82,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Theo dự kiến, bưu điện của 18 tỉnh, thành phố vượt kế hoạch, 23 hoàn thành và 12 khả năng không hoàn thành. Theo bà Hương, một trong các khó khăn của hệ thống Bưu điện là đang "lúng túng" trong việc nhận diện đối tượng nào chưa tham gia hộ gia đình để tiếp cận, tuyên truyền. Do đó, bà Hương đề xuất BHXH Việt Nam có cơ chế chia sẻ dữ liệu về người tham gia BHYT hộ gia đình giữa cơ quan BHXH và Bưu điện cùng cấp...

Tiếp nhận đề nghị này, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu Trung tâm CNTT hỗ trợ thực hiện chia sẻ dữ liệu này để khai thác nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Bưu điện cùng Ban Quản ý Thu- Sổ, thẻ phối hợp hỗ trợ các tỉnh, thành phố đang khó khăn trong việc đạt kế hoạch.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh sự chủ động của BHXH các địa phương trong phát triển đối tượng. Dẫn chứng rằng “hộ khẩu hiện cũng không phải là rào cản để cản trở người dân tham gia BHYT”, vì vậy lãnh đạo các địa phương căn cứ vào thực tế của địa bàn để có các giải pháp linh hoạt, phù hợp. BHXH Việt Nam sẽ sát sao với tiến độ của từng địa phương, thông báo mức độ hoàn thành kế hoạch hằng ngày cho BHXH từng tỉnh, thành phố, và cả cấp BHXH quận, huyện để cùng quyết tâm hoàn thành kế hoạch giao...

Tạp chí Bảo hiểm xã hội