Nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2020
30/11/2020 06:54 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 30/11, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh. Cùng tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn và Lãnh đạo các vụ, ban, đơn vị thuộc BHXH Việt Nam, cùng 63 điểm cầu từ BHXH các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Mục tiêu nhiều thách thức
Nhấn mạnh ngay khi bắt đầu Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ: Nhiều chỉ tiêu hoạt động của Ngành cần phải “nỗ lực hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa” từ BHXH các địa phương cũng như các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách đến “vạch đích”.
Theo báo cáo tổng hợp của BHXH Việt Nam, mặc dù công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Ngành BHXH Việt Nam, tuy nhiên, ước tính đến hết tháng 11/2020, toàn quốc có trên 15,88 triệu người tham gia BHXH (đạt 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), trên 13,18 triệu người tham gia BH thất nghiệp (đạt 26,7% lực lượng lao động trong độ tuổi); và số người tham gia BHYT là trên 87 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 89,2% dân số).
Việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 là một thách thức lớn đối với Ngành BHXH Việt Nam. Theo tính toán, trong tháng 12/2020, toàn quốc cần phát triển thêm 1,35 triệu người tham gia BHXH (để đạt tỷ lệ 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); phát triển thêm trên 1,1 triệu người tham gia BHYT (để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số) và cần phát triển thêm trên 1,12 triệu người tham gia BH thất nghiệp.
Đặc biệt, nhiệm vụ phát triển BHYT là chỉ tiêu “pháp lệnh”, đã được quy định rõ trong các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng, giao các bộ, ban, ngành và UBND các địa phương thực hiện. Trong hội nghị trực tuyến về phát triển đối tượng tham gia BHYT được tổ chức ngày 20/11 vừa qua, một loạt giải pháp mở rộng diện bao phủ BHYT đã được Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ hướng dẫn cho các địa phương. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay như phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh, thành phố trích ngân sách địa phương hoặc kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân mua tặng thẻ BHYT cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với Bộ chủ quản, Sở GD-ĐT, các đơn vị trường vận động số HSSV tham gia BHYT đạt 100%...
Theo ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ, đến nay (10 ngày sau Hội nghị), 3 địa phương đã có được sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người dân trên địa bàn tham gia BHYT là Cần Thơ, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Có 9 địa phương đã kêu gọi cộng đồng DN, các nhà hảo tâm mua tặng thẻ BHYT cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Các địa phương cũng thực hiện rà soát các nhóm đối tượng tiềm năng tham gia BHYT, tại 2 thành phố lớn tập trung nhiều trường học, trung tâm giáo dục là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, cơ quan BHXH cũng đã có văn bản gửi các Bộ chủ quản, Sở GD-ĐT, một số trường Đại học, Cao đẳng… đề nghị phối hợp vận động HSSV tham gia BHYT… Kết quả cho thấy, trong 10 ngày (từ 20- 30/11), số người tham gia BHYT đã tăng lên gần 500.000 người. Đây là điều kiện khá lạc quan cho mục tiêu phát triển trên 1,1 triệu người tham gia BHYT trong tháng 12/2020 để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số năm 2020.
Về mục tiêu phát triển 1,35 triệu người tham gia BHXH, hiện BHXH các địa phương đã phân công cụ thể đối với từng lãnh đạo, cán bộ trong công tác rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế, cơ quan quản lý lao động, kế hoạch đầu tư để phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; phối hợp chặt chẽ với các đại lý thu ưu tiên tuyên truyền, vận động nhóm đối tượng tiềm năng có thu nhập tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đang chiếm khoảng 5,3% số phải thu, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019, BHXH các địa phương cũng đang nỗ lực tăng cường đôn đốc thu nợ tại các DN; phối hợp với Sở Tài chính các tỉnh, thành phố để nhanh chóng chuyển số “nợ” từ NSNN cho các nhóm được hỗ trợ. BHXH các địa phương cam kết sẽ giảm số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đặc biệt là số nợ từ NSNN xuống mức thấp nhất.
30 ngày “chạy nước rút”
Phản ánh vấn đề cần quan tâm khi số chi KCB BHYT năm 2020 cũng đang có nguy cơ bội chi tại một số địa phương, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết: Ước tính số chi KCB trong 11 tháng năm 2020 đã là 93.000 tỷ đồng (92% dự toán). Hiện đã có 3 địa phương vượt dự toán (Cần Thơ, Bắc Giang, Kiên Giang), 9 tỉnh sử dụng trên 95% dự toán (dự kiến 12 tỉnh này có thể vượt dự toán năm trên 9%); và 24 tỉnh sử dụng từ 88- 94% dự toán...
Để đảm bảo cân đối Quỹ KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã ban hành văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng dự toán chi phí KCB BHYT năm 2020 cao, để phối hợp trong công tác chỉ đạo quản lý, sử dụng dự toán chi KCB BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020... Ban Thực hiện chính sách BHYT yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý Quỹ KCB BHYT an toàn, minh bạch như giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự toán 2020; dự kiến tổng mức thanh toán thông báo đến các cơ sở KCB; khẩn trương thực hiện điều tiết nguồn dự toán được phân bổ; thực hiện Quyết toán trên phần mềm… Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xác định đối tượng, số thẻ đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các cơ sở KCB trên địa bàn để phục vụ đổi mới phương thức thanh toán; đề nghị Sở Y tế cung cấp kế hoạch phát triển hệ thống y tế tại địa phương năm 2021 (tách, nhập, thành lập mới, nâng hạng BV...) gửi BHXH Việt Nam…
Chỉ đạo về lĩnh vực này, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh các đơn vị, địa phương phải tập trung cao độ các giải pháp quản lý Quỹ KCB BHYT, chuẩn bị triển khai thí điểm đổi mới phương thức giám định và thông tuyến KCB tỉnh trong năm 2021. Đặc biệt lưu ý Lãnh đạo BHXH các địa phương phải lưu tâm các vấn đề được cảnh báo trên Hệ thống giám sát thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định: “Đây là kênh quan trọng để kiểm soát chi phí hiệu quả của Ngành”…
Lưu ý thêm về “tốc độ gia tăng tỷ lệ người tham gia BHYT” đang chậm lại trong mấy năm gần đây, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng nhấn mạnh: Nhiệm vụ này cần sự tập trung cao độ từ mọi phương diện. Công tác thanh tra quan tâm hơn nữa đến trốn đóng, đóng thiếu số người tham gia BHYT tại các đơn vị vi phạm.
Cũng tập trung vào công tác phát triển đối tượng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu BHXH các địa phương lưu ý thêm về mở rộng đại lý thu, phát huy cao nhất hiệu quả của hoạt động này. “BHXH Việt Nam không giới hạn đơn vị nào được thực hiện đại lý thu, các địa phương được toàn quyền chủ động”, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu các địa phương chủ động và linh hoạt trong sử dụng các “công cụ” nghiệp vụ, tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chung.
Tại Hội nghị, đề cập một số nội dung mới trong giải quyết chế độ chính sách, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn lưu ý, ngày 18/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP Quy định về tuổi nghỉ hưu, yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHXH, Trung tâm CNTT sớm điều chỉnh phần mềm liên quan tuổi nghỉ hưu để không có vướng mắc khi triển khai từ ngày 1/1/2021. Yêu cầu BHXH các địa phương thực hiện rà soát lại danh sách người hưởng chế độ hàng tháng đã mất, loại trừ các trường hợp lạm dụng sổ hưu, thẻ BHYT của người đã mất...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo, tháng 12 sẽ là tháng chạy “nước rút” của toàn Ngành để bằng mọi cách hoàn thành kế hoạch được giao, yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực. Đánh giá kế hoạch thu có khả năng hoàn thành trong “đà” nỗ lực của toàn Ngành hiện nay, Tổng Giám đốc đề nghị sự nỗ lực “150%” và hơn thế nữa từ các đơn vị, địa phương, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT năm 2020. Chủ động, tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị nợ đọng, đơn vị chưa tham gia BHXH hoặc tham gia chưa đủ số lao động; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; trường hợp cố tình vi phạm kéo dài, củng cố hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (phấn đấu giảm số tiền nợ phải tính lãi của toàn Ngành năm 2020 xuống mức thấp nhất); nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành, kiểm soát dự toán chi KCB BHYT, đảm bảo thực hiện trong dự toán năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi Quỹ KCB BHYT…
Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số