Nâng cao chất lượng để người dân tin tưởng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT

02/12/2020 10:05 PM


QĐND Online - Cùng với các chủ trương, chính sách về BHYT mở rộng quyền lợi cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người khám bệnh và các cơ sở y tế, thì việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi thái độ phục vụ người bệnh tại các cơ sở y tế tại tỉnh Đắk Lắk đã thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT.

Bệnh nhân H’Bit Niê (56 tuổi trú tại Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nhập viện Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh từ ngày 13-11 do bị thoát vị đĩa đệm đa tầng và phải phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo. Sau 10 ngày điều trị, bà đã bình phục và chuẩn bị làm thủ tục xuất viện. Bà chia sẻ: “Mặc dù gia đình tôi thu nhập chủ yếu từ công việc làm nông nhưng được tuyên truyền và nhận thấy lợi ích từ tấm thẻ BHYT nên tôi đã mua BHYT cho cả gia đình. Trong cái rủi có cái may, khi tôi cấp cứu vì thoát vị đĩa đệm, thẻ BHYT đã cứu tôi và đỡ đần gánh nặng kinh tế cho gia đình. Vì con cái không phải lo tiền chạy chữa nên tôi yên tâm điều trị. Tôi cũng đã hỏi rồi, nếu tôi không có thẻ BHYT, ca phẫu thuật thay đĩa đệm này tôi phải mất gần 60 triệu đồng. Nhưng nhờ có thẻ BHYT nên tôi được thanh toán 100% chi phí điều trị”. Con gái bệnh nhân là chị H’Duyên Niê tâm sự: “Sẽ thực sự khó khăn nếu gia đình em phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho mẹ. Nhưng nhờ có thẻ BHYT, cùng với sự chăm sóc chu đáo của các y sĩ, bác sĩ trong bệnh viện nên mẹ em bình phục rất nhanh và gia đình không phải lo lắng cho việc chi trả viện phí cho mẹ em”.

Bệnh nhân H Bit Niê đang dần hồi phục sau ca phẫu thuật

Trước đây, do chủ quan nên anh Nguyễn Long (TP Buôn Ma Thuột) không tham gia mua BHYT. Vừa rồi, anh đi khám mới phát hiện mình tắc nghẽn động mạch vành. Trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, gia đình phải vay mượn khắp nơi để chi trả viện phí. Lúc đó anh mới thấy giá trị của tấm thẻ BHYT. Anh Long chia sẻ: “Mặc dù kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn nhưng tôi vẫn quyết định mua BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình để nếu không may bị ốm đau, tai nạn thì đỡ phải lo lắng nhiều”.

Có thể nói, không chỉ riêng gia đình bệnh nhân H’Bit Nie, anh Long mà với nhiều người bệnh, chi phí điều trị luôn là nỗi lo, gánh nặng kinh tế, nhất là với những bệnh nhân nghèo phải nằm viện điều trị trong thời gian dài mới thấy hết được giá trị của chính sách BHYT. Việc người dân tự nguyện tham gia mua BHYT là việc làm cần thiết không chỉ bảo đảm tài chính cho bản thân và gia đình khi chẳng may gặp ốm đau, bệnh tật mà còn thể hiện ý nghĩa nhân đạo và tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc.

Thanh toán BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh.

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Phạm Trường Tấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết, Bệnh viện là cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tham gia khám BHYT từ năm 2010 đến nay. Bệnh viện được có được sự tín nhiệm của nhiều người dân đến khám và điều trị bằng BHYT là nhờ sự nỗ lực của toàn thể Ban lãnh đạo, các nhân viên y tế luôn đặt mục tiêu xây dựng “Bệnh viện một chất lượng” lên hàng đầu. “Bệnh viện một chất lượng là chủ trương của ban lãnh đạo Bệnh viện từ những ngày đầu Bệnh viện tham gia KCB BHYT. Nói “Bệnh viện 1 chất lượng” có nghĩa là bệnh nhân đến khám, điều trị bằng BHYT hoặc dịch vụ đều được hưởng chất lượng khám, điều trị và chăm sóc như nhau. Bệnh nhân điều trị bằng BHYT chỉ khác với bệnh nhân điều trị dịch vụ là có một cơ quan hỗ trợ thanh toán viện phí cùng. Còn đối với chúng tôi, họ giống nhau về mọi thứ và đều được gọi là “bệnh nhân”, bác sĩ Phạm Trường Tân cho biết. Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính tại bệnh viện nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục KCB BHYT. Thực ra đây là một chuỗi cải cách nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục, thời gian chờ đợi và chất lượng KCB của bệnh viện đối với bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Đây là một công việc rất quan trọng liên quan với sự sống còn của bệnh viện. Chất lượng bệnh viện đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao uy tín và khẳng định vị trí của một cơ sở khám chữa bệnh. Tại Đắk Lắk, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh hiện là đơn vị dẫn đầu về cải tiến chất lượng bệnh viện, được ngành y tế đánh giá cao. Rõ ràng, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, các cơ sở khám, chữa bệnh phải nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế giúp người dân được hưởng thụ một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Đây cũng được xem là giải pháp then chốt để vận động người dân tham gia BHYT.

Báo Quân đội nhân dân