Bổ sung chế độ BHYT với đối tượng là vợ liệt sĩ đã tái giá

09/12/2020 08:51 PM


Sáng 9/12, với 100% đại biểu tham dự biểu quyết tán thành, Ủy ban TVQH đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Trên cơ sở kết luận của Ủy ban TVQH, dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung mở rộng công nhận đối tượng người bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung báo cáo số liệu về đối tượng, kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ ưu đãi đối với đối tượng này.

 

Theo đó, pháp lệnh hóa quy định của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP về đối tượng vợ hoặc chồng của liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác được hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất hằng tháng và bổ sung chế độ BHYT đối với đối tượng này.

Về điều kiện, tiêu chuẩn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, dự thảo Pháp lệnh giữ lại quy định hiện hành; đồng thời bổ sung thêm các trường hợp vết thương còn sót, vết thương bổ sung để phù hợp với thực tế.

Điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh cũng đã được chỉnh lý như sau: Sĩ quan, hạ sĩ quan QĐND, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND bị mắc bệnh mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm thì được cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh” và bổ sung việc giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Đối với trường hợp bị bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần sau khi tham gia làm nghĩa vụ quốc tế, theo báo cáo của Ban soạn thảo, hồ sơ các đối tượng này cơ bản đã được giải quyết xong và thực tế tâm thần có nhiều dạng biểu hiện bệnh với nhiều nguyên nhân khác nhau, khó xác định được nguyên nhân do bệnh cũ tái phát hoặc do tham gia làm nghĩa vụ quốc tế, nên không tiếp tục quy định trường hợp này trong Pháp lệnh.

Về chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban TVQH đề nghị quy định mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng theo nguyên tắc đảm bảo mức sống tốt mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ. Ủy ban thấy rằng, Pháp lệnh hiện hành quy định chế độ trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân liệt sĩ, trong đó giới hạn không quá mức trợ cấp 3 liệt sĩ (tương ứng 3 lần mức chuẩn) và đã được thực hiện ổn định trong những năm qua và mức trợ cấp 3 lần mức chuẩn bảo đảm được cuộc sống tốt cho đối tượng. Sau khi thống nhất với cơ quan soạn thảo, dự thảo Pháp lệnh đã được chỉnh lý theo hướng giữ mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân liệt sĩ tại Điểm a, Khoản 3 Điều 16 như hiện hành. Riêng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, quy định chế độ trợ cấp được hưởng bằng 3 lần mức chuẩn trợ cấp hằng tháng, chứ không tính theo số liệt sĩ và phụ cấp hằng tháng.

Về chế độ ưu đãi đối với thân nhân của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học: Dự thảo Pháp lệnh quy định đối tượng thân nhân là vợ, chồng được hưởng chế độ ưu đãi căn cứ vào độ tuổi 55 trở lên đối với vợ và 60 tuổi đối với chồng. Quy định này kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành và phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về độ tuổi nghỉ hưu hưởng chế độ BHXH. Để bảo đảm tính thống nhất về quan điểm giải quyết chế độ ưu đãi áp dụng đối với những người hết tuổi lao động, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo dự kiến điều chỉnh tuổi hưởng chế độ ưu đãi thống nhất với quy định tại Khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đã nhận được sự thống nhất rất cao giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng như các thành viên Ủy ban TVQH. Thực hiện kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp thứ 47 là cố gắng càng sớm càng tốt với trách nhiệm cao nhất, để thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công (sửa đổi) với tinh thần đổi mới và tăng cường được trách nhiệm quản lý nhà nước, đảm bảo chính sách được thực hiện công bằng và có lợi nhất với đối tượng được hưởng chính sách.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội