Hiểu về quyền lợi BHXH tự nguyện người dân tích cực tham gia
18/12/2020 07:53 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Một yếu tố quan trọng để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là nhận thức của người dân, khi đã hiểu đầy đủ thì họ sẽ tích cực tham gia.
Trước đây, trong suy nghĩ của nhiều người, chỉ có công nhân viên chức, lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mới có điều kiện hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Một thực tế khác, nhiều người vẫn nghĩ BHXH tự nguyện giống như các loại hình bảo hiểm thương mại khác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nên còn băn khoăn, ngần ngại tham gia. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ bảo hiểm và các đại lý thu giải thích, vận động thì nhiều người đã hiểu rõ và thay đổi suy nghĩ, bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân và các thành viên trong gia đình.
Đơn cử như trường hợp anh Bùi Quốc Huấn (buôn Ea Kroa, xã Cư Né, huyện Krông Búk) trước đây không hề biết đến việc đóng BHXH tự nguyện. Đến cuối năm 2019, khi cán bộ BHXH huyện tổ chức tuyên truyền cho người dân trong buôn, anh đến dự chỉ vì tò mò. Nhưng sau khi nghe giải thích và hiểu rõ về những quyền, lợi ích của việc đóng BHXH tự nguyện, anh liền đăng ký tham gia với mức đóng thấp nhất là 138.000 đồng/tháng. Anh cho hay, đây là mức khá phù hợp với điều kiện kinh tế làm nông như gia đình anh, sau này, nếu điều kiện kinh tế khá hơn anh sẽ nâng mức đóng lên cao hơn.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Yến (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) dù kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nghề làm tóc của vợ và sửa xe của chồng nhưng vợ chồng chị vẫn quyết định tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 12-2018 đến nay với mức đóng 248.000 đồng/tháng/người. Bởi anh chị nhận thức rằng, công việc hiện tại cũng đủ gia đình trang trải chi phí sinh hoạt và tham gia bảo hiểm, còn cuộc sống sau này khó biết được ra sao nên việc tham gia BHXH tự nguyện như một cách phòng thân, giúp mình có “chỗ dựa” khi về già như được hưởng lương hưu hằng tháng, cấp thẻ BHYT, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng (tương đương số tiền gấp 10 lần mức lương cơ sở) khi đối tượng tham gia BHXH tự nguyện qua đời…
Rất nhiều người dân đã thay đổi nhận thức về chính sách BHXH tự nguyện như vậy khi được nhân viên BHXH tuyên truyền, tư vấn. Nếu như năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 6.979 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 3.347 người so với năm 2018) thì đến cuối tháng 11-2020 đã có trên 12.000 người tham gia. Có được kết quả này, ngành BHXH đã đẩy mạnh tuyên truyền tới tận thôn, buôn; đặc biệt, các cán bộ thu đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để người dân hiểu và tham gia. Thời gian tới, để phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, tăng cường các hình thức truyền thông trực tiếp phù hợp với từng nhóm đối tượng để nhiều người dân hiểu và đăng ký tham gia hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện cho từng đại lý thu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phát triển đối tượng và giải quyết chế độ BHXH.
Theo BHXH tỉnh, chính sách BHXH tự nguyện được triển khai từ năm 2008, với một số ưu điểm nổi bật như: Nhiều quyền lợi, thủ tục tham gia đơn giản, phương thức đóng linh hoạt… Theo đó, đối tượng tham gia là công dân từ đủ 15 tuổi trở lên (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc). Hằng tháng, người tham gia đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do chính mình lựa chọn, với nhiều phương thức đóng. Nhằm mở rộng và phát triển đối tượng, từ 1-1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH.
Báo Đắk Lắk
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số