Vận động lao động phi chính thức tham gia BHYT: Cần tác động nhiều chiều
27/12/2020 08:46 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Luật BHYT quy định 5 nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT và Nghị định số 146/NĐ-CP của Chính phủ mở rộng thêm nhóm lao động phi chính thức. Tuy nhiên, trong số khoảng 10% dân số chưa tham gia BHYT thì lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh cần có chế tài cũng cần có cơ chế khuyến khích đối với một số nhóm đối tượng.
Vẫn còn khoảng trống
Bao phủ BHYT toàn dân là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Trong đó, việc mở rộng bao phủ BHYT với nhóm lao động phi chính thức đóng vai trò quan trọng, bởi nhóm này vẫn còn nhiều dư địa.
Còn nhiều lao động ở khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH
Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức- chiếm tới 57% tổng số việc làm phi nông nghiệp trên cả nước. Lao động phi chính thức thường có việc làm bấp bênh, thiếu sự ổn định, thông thường không có hợp đồng hoặc chỉ thoả thuận bằng miệng, thu nhập thấp với nhiều công việc nặng nhọc và đầy rủi ro. Đây cũng là nhóm lao động dễ bị tổn thương, rất cần được hưởng các chính sách an sinh xã hội.
Dù Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã quy định đây là nhóm có trách nhiệm tham gia BHYT, nhưng đến nay cả nước gặp không ít khó khăn khi phát triển BHYT ở nhóm đối tượng này. Tuy tỷ lệ bao phủ BHYT cả nước đạt 90% nhưng trong số 10% còn lại, lực lượng lao động phi chính thức lại chiếm một tỷ lệ khá lớn, do họ có thu nhập không ổn định và ít nghĩ đến việc tham gia BHYT để dự phòng khi ốm đau, bệnh tật.
Kết quả giám sát chính sách giảm nghèo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, tỷ lệ thiếu hụt về BHYT ở vùng ĐBSCL cao gấp 2,7 lần tỷ lệ chung của cả nước. Bên cạnh lực lượng lao động làm nông nghiệp, còn có nhiều người thuộc diện lao động phi chính thức chưa có thẻ BHYT. Còn theo khảo sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, số lao động phi chính thức chưa có BHYT chiếm phần lớn trong tổng số 10% người dân chưa tham gia BHYT.
Về nguyên nhân, bên cạnh việc không tuân thủ pháp luật của một số DN thì vẫn còn không ít lao động phi chính thức chưa hiểu rõ về vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT hoặc nhiều người dù có điều kiện kinh tế song lại chủ quan cho rằng “lúc nào có bệnh sẽ tự chi trả”. Ngoài ra, lao động tự do, buôn bán nhỏ di cư từ vùng nông thôn lên thành phố chưa đăng ký tạm trú, không có giấy tờ tùy thân, số còn lại do điều kiện khó khăn, thu nhập không ổn định nên chưa tham gia BHYT. “Trong khu vực phi chính thức, do công tác quản lý nên chúng ta không nắm được ai đi đâu, về đâu… hoặc những người có điều kiện nhưng cho rằng khi nào ốm thì tự chi trả. Cho nên, chúng ta phải làm chuyển biến nhận thức của họ, trước hết là những người có thu nhập cao”- ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhấn mạnh.
Cần cơ chế khuyến khích
Xã Định Tường (huyện Yên Định, Thanh Hóa) xác định chỉ tiêu tham gia BHYT là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội và là tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Do vậy, chính quyền xã luôn chủ động rà soát, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến người dân, DN, HTX trên địa bàn. Đặc biệt, do quan tâm tuyên truyền phát triển người tham gia BHYT trong khu vực phi chính thức nên tỷ lệ người dân xã này tham gia BHYT luôn cao, nhất là tất cả các HTX, làng nghề đều đóng BHYT cho xã viên, nhân viên của mình.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, để phát triển bền vững người tham gia BHYT và hướng tới BHYT toàn dân thì việc mở rộng bao phủ BHYT đối với nhóm lao động phi chính thức rất quan trọng. Bởi trong nhóm này có một bộ phận không nhỏ thuộc diện tham gia BHXH, BHYT bắt buộc vì họ có quan hệ tiền lương (từ 1/1/2018, NLĐ có HĐLĐ từ 1 tháng trở lên thuộc diện tham gia BHXH, BHYT bắt buộc). Với mức đóng BHYT bằng 4,5% tiền lương hằng tháng thì mức đóng góp vào quỹ BHYT của nhóm này sẽ cao hơn nhóm tham gia theo hộ gia đình và các nhóm do NSNN đóng, hỗ trợ đóng. Vì vậy, cần phải khuyến khích và có giải pháp để thu hút nhóm lao động này tham gia BHYT, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương…
Nhận định nguyên nhân lao động phi chính thức chưa tham gia BHYT, ông Phan Văn Toàn- Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cũng cho rằng, bên cạnh những khó khăn do công việc không ổn định, thu nhập thấp, còn do một bộ phận lao động có thu nhập nhưng luật chưa bắt buộc tham gia BHYT. “Bản thân tôi gặp nhiều trong thực tiễn như quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhưng có những người đi lao động ở địa phương khác, họ không thể đăng ký hộ khẩu tạm trú. Hoặc, có một số trường hợp không có giấy tờ tùy thân nên cũng không tham gia BHYT được... Vì vậy, tới đây, khi sửa đổi Luật BHYT, chúng ta cần có cơ chế, chế tài đối với những đối tượng này hoặc có cơ chế khuyến khích để họ tham gia BHYT”- ông Toàn kiến nghị.
Cũng theo ông Phan Văn Toàn, mục đích của việc tham gia BHYT là để dự phòng nếu không may bị ốm đau, bệnh tật sẽ có quỹ BHYT chi trả. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do không tham gia BHYT nên khi bị tai nạn đã phải tự bỏ tiền túi chi trả hàng trăm triệu đồng chi phí điều trị. Hoặc cũng có nhiều trường hợp bị bệnh mới tham gia BHYT, song trước đó họ cũng đã phải mất một khoản tiền lớn. Chính vì vậy, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều chú trọng thực hiện BHYT toàn dân, trong đó có nhóm lao động phi chính thức.
“Hiện nay, chi phí y tế chưa tính đủ do Nhà nước đang bao cấp (cơ sở vật chất, đào tạo, quản lý…). Tiến tới sẽ tính đúng, tính đủ chi phí y tế thì những người không có thẻ BHYT đi KCB sẽ phải chịu gánh nặng chi phí rất lớn so với hiện nay. Do đó, thay vì việc ngân sách cung cấp cho BV để trả lương và các hoạt động liên quan thì quỹ BHYT sẽ tiến tới chi trả cho những chi phí này, nên người dân cần có thẻ BHYT để đi KCB”- ông Toàn khẳng định.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số