Hơn 39.000 người khuyết tật được cấp thẻ BHYT

30/12/2020 08:45 PM


Sáng 30/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021.

Thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho thấy, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó, có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2020, gần 3 triệu NKT đã được cấp giấy chứng nhận NKT.

Công tác trợ giúp đời sống NKT đặc biệt được chú trọng. Cụ thể, trong năm 2020, NSNN đã bố trí cho địa phương 17.696 tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ và 374 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT. Cũng trong năm 2020, hơn 39.000 NKT được cấp thẻ BHYT, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 207.000 lượt NKT; số lao động nông thôn là NKT được học nghề là 3.000 người. Ngoài ra, NKT tham gia giao thông công cộng được miễn giảm từ 25-100% giá vé; 100% công trình thiết kế mới hoặc cải tạo sửa chữa đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được song vẫn còn nhiều hạn chế như tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vướng mắc, bất cập còn chậm. Rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là một trong những vấn đề khó khắc phục, nhất là ở khu vực nông thôn. Ngoài ra việc xác nhận và cấp giấy chứng nhận NKT cho NKT nhẹ đạt kết quả thấp; mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp; số lượng NKT được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít. Nhiều NKT chưa được học nghề và vay vốn để sản xuất.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế và tồn tại là do nhân thức, sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyèn địa phương về công tác NKT còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy chuẩn, xử lý vi phạm đối với các công trình xây dựng không đảm bảo tiếp cận chưa được chú trọng, thiếu tính răn đe.

Phát biểu tại Hội Nghị, ông Lê Tấn Dũng- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành cho NKT sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, được thể hiện trong Hiến pháp, Luật NKT và các Luật chuyên ngành. Xã hội cần thay đổi nhận thức về quyền của NKT, giảm dần những rào cản, qua đó tạo cơ chế giúp NKT vươn lên phát triển kinh tế, hòa nhập với cộng đồng. Vì vậy, trong năm 2021, cần tiếp tục triển khai các mô hình sinh kế cho NKT, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT để kịp thời sửa đổi, bổ sung khắc phục những khó khăn, vướng mắc cho phù hợp với thực tế của đất nước và Công ước của LHQ về quyền của NKT. Đồng thời, chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho NKT…

Tạp chí Bảo hiểm xã hội