Thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế: Mở rộng quyền lợi cho người tham gia

18/01/2021 09:41 AM


Từ ngày 1-1-2021, quy định thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) có hiệu lực đã tạo thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế. Song điều này cũng tạo “áp lực” không nhỏ cho các bệnh viện tuyến tỉnh khi phải đổi mới để phục vụ tốt người bệnh.

Bệnh nhân hưởng lợi

Theo quy định của Luật BHYT năm 2014, trước 1-1-2021, người có thẻ BHYT đi KCB tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới, thì được coi là đi KCB trái tuyến và chỉ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng.

Tuy nhiên, từ thời điểm 1-1-2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên toàn quốc. Dù thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến.

Nhiều kỹ thuật mới, khó đã được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tùy thuộc từng đối tượng tham gia BHYT mà người bệnh được thanh toán chi phí KCB với các mức 100%, 95% hoặc 80% theo quy định tại Điều 14, Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018.

Cụ thể, Quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú cho người tham gia BHYT khi tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong cả nước đối với nhóm đối tượng: người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; những trường hợp có chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (khoảng 224 ngàn đồng); người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 8,9 triệu đồng); người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Riêng thân nhân người có công với cách mạng được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ BHYT còn lại sẽ được quỹ BHYT chi trả 80%

Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, nếu bệnh nhân đi khám bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước, Quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng, trường hợp người bệnh đó chỉ cần điều trị ngoại trú thì phải tự chi trả 100% chi phí KCB. Do đó, người dân cần cân nhắc khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh để tránh phải trả chi phí không cần thiết.

Có thể thấy, việc thông tuyến tỉnh BHYT sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác.

Đổi mới để phục vụ tốt bệnh nhân

Để chủ động tiếp nhận lượng bệnh nhân BHYT đến KCB có thể tăng cao sau khi quy định thông tuyến tỉnh có hiệu lực, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã sắp xếp, bố trí thêm phòng ốc, bổ sung trang thiết bị, bảo đảm có thể tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 1.900 bệnh nhân; tăng cường công tác tiếp đón người bệnh, không để xảy ra tình trạng người bệnh phải chờ đợi lâu; xây dựng các tiêu chí nhập viện nội trú để tránh tình trạng người bệnh nhập viện ồ ạt, gây lãng phí, tốn kém. Đồng thời kết hợp với BHXH tỉnh giải thích cho bệnh nhân hiểu đúng về KCB thông tuyến, dịch vụ nào được Quỹ BHYT thanh toán, dịch vụ nào không được; bệnh nhân nào cần điều trị nội trú tại bệnh viện thì mới nhập viện, những bệnh nào có thể điều trị ở tuyến dưới thì giải thích, giới thiệu bệnh nhân về tuyến dưới, để tránh tình trạng quá tải không cần thiết.

                                                  

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trang bị nhiều máy móc hiện đại phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Cùng với đó, Bệnh viện cũng đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng KCB, hạn chế chuyển và khiến bệnh nhân đến thành phố lớn hoặc đi địa phương khác điều trị. Phó Giám đốc Bệnh viện Võ Minh Thành cho biết: Hằng năm bệnh viện đều có kế hoạch, chỉ tiêu về phát triển chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng KCB cho người dân. Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã thực hiện được 86% các kỹ thuật theo thông tuyến kỹ thuật, vượt cao so với quy định của Bộ Y tế (70%) và thực hiện được nhiều kỹ thuật thuộc tuyến Trung ương. Chỉ tính riêng năm 2020, nhiều kỹ thuật mới, khó đã được triển khai tại bệnh viện, trong đó nổi bật như kỹ thuật đo độ loãng xương bằng máy theo nguyên lý X-quang; điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết; phẫu thuật nội soi khớp vai; phẫu thuật tim hở; nút mạch hóa chất để điều trị ung thư gan… Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều kỹ thuật khác, chẳng hạn như điều trị đột quỵ; tiếp tục phát triển can thiệp tim mạch, can thiệp điều trị các bệnh lý bẩm sinh ở tim của trẻ em qua đường xâm lấn tối thiểu; phát triển các kỹ thuật điều trị ung thư gan.

Báo Đắk Lắk