Có lương hưu là vui lắm rồi!

08/03/2021 07:05 AM


Bài 1 “Của để dành” Thời gian gần đây, đã có không ít người do tham gia BHXH tự nguyện nên đã có lương hưu và thẻ BHYT. Việc này giúp họ thêm tự tin khi về già…

Tự tin với “của để dành”

Bà Hoàng Thị Bình (xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, Nghệ An) tham gia BHXH nông dân từ năm 1999 đến năm 2009, sau đó chuyển tiếp sang tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2016, bà Bình tròn 55 tuổi, sau khi đóng một lần cho những năm còn thiếu, bà được hưởng chế độ hưu trí. Từ đó đến nay, bà được Nhà nước điều chỉnh lương 2 lần và số tiền lương hưu mà bà được hưởng là gần 1 triệu đồng/tháng. “Ngày xưa tham gia BHXH nông dân, tiền đóng hằng tháng chỉ có mấy chục nghìn. Bây giờ được tiền triệu, thế là nhiều rồi. Tôi cảm thấy rất tự tin để vui sống tuổi già cùng con cháu. Tôi có tiền để mua cho cháu chút quà, lại yên tâm điều trị bệnh nhờ thẻ BHYT cấp miễn phí”- bà Bình chia sẻ.

Tuyên truyền BHXH tự nguyện đến người dân

Còn bà Võ Thị Châu (64 tuổi, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) là một trong 4 người đầu tiên ở xã được nhận sổ hưu tự nguyện. Bà Châu cho biết, trước đây bà đóng theo mức thu nhập 3,3 triệu đồng/năm, tương ứng khoảng 275.000 đồng/tháng… Do đó, hiện nay lương hưu của bà là 1,35 triệu đồng/tháng. Bà Châu tỏ rõ vui mừng bảo: “Già rồi, sức khỏe cũng đã yếu, may mà trước đây để dành nên giờ có lương hưu, lại không phải bỏ tiền mua thẻ BHYT. Với người nông dân như chúng tôi, thế này là vui lắm rồi”.

Sau khi được tuyên truyền, anh Hồ Hồng Lương (xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay. Hiện nay, gia đình anh có hơn 1ha đất rẫy trồng chuối, sau khi trừ chi tiêu, anh chị tiết kiệm để đóng BHXH tự nguyện. “Tôi thấy mức đóng 138.600 đồng/tháng/người phù hợp với thu nhập nên tham gia với hy vọng về già sẽ có một khoản lương hưu phòng ốm đau bệnh tật, không phiền con cái”- anh Lương bộc bạch.

Chia sẻ về công tác vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, chị Hồ Thị Đem- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) cho biết, hầu hết các đại lý thu trên địa bàn huyện Nam Đông đều tranh thủ mọi lúc, mọi nơi vận động người dân tham gia. Ai chưa hiểu rõ sẽ được nhân viên đại lý thu phát tờ rơi để mang về tìm hiểu thêm. Nhiều nhân viên đại lý vừa nhiệt tình, vừa am hiểu chính sách, có khả năng thuyết trình tốt nên đã tạo được niềm tin từ người dân. Cũng vì vậy, nhiều người thuộc diện hộ cận nghèo cũng tích cực đăng ký tham gia BHXH tự nguyện; thậm chí có người còn chủ động chọn đóng mức cao để sau này có lương hưu cao.

Tạo hiệu ứng lan tỏa

Từ thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Định- Giám đốc BHXH huyện Nam Đông cho rằng, muốn người dân nhận thức rõ và tích cực tham gia BHXH tự nguyện, điều quan trọng là phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành với cơ quan BHXH trong tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu BHXH, BHYT cần được cụ thể hóa thành chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Ngoài ra, BHXH các địa phương cần phân công địa bàn và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng CCVC và nhân viên đại lý thu; kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt.

“Hiện nay, người dân Nam Đông tham gia BHXH tự nguyện tương đối nhiều, trong đó trên 50% là đồng bào DTTS. Phải hiểu được địa bàn, nắm chắc đặc điểm của mỗi nhóm đối tượng để tuyên truyền cho hiệu quả. Chúng tôi không tuyên truyền dàn trải mà chú ý đến từng nhà trên cơ sở rà soát, phân loại theo nguyên tắc “dễ trước, khó sau”, từ những người đã tham gia tiếp tục tạo hiệu ứng, lan tỏa dần trong xã hội”- ông Định cho hay.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Bá Quý- Giám đốc BHXH huyện Bá Thước (Thanh Hoá) khẳng định, để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, bên cạnh giao chỉ tiêu phát triển đến từng đại lý thu, cơ quan BHXH còn cần tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng đại lý thu. Đồng thời, phối hợp với Bưu điện huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trực tiếp, phát huy vai trò của đại lý, cộng tác viên; giao chỉ tiêu cho từng CCVC. “Cán bộ của BHXH huyện đều tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để tuyên truyền, vận động ngay tại khu dân cư nơi mình sinh sống. Nhờ phương pháp này, huyện Bá Thước đã thu hút được nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện, nhất là những người trong độ tuổi lao động”- ông Quý chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Cường- Phó Giám đốc BHXH huyện Triệu Phong (Quảng Trị) thông tin thêm: BHXH huyện Triệu Phong đã phối hợp với chính quyền, Bưu điện huyện và các đoàn thể tại xã, thị trấn tổ chức hội nghị đối thoại, tuyên truyền trực tiếp về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời, chủ động giải đáp những vấn đề người dân quan tâm như quy định mức đóng, phương thức đóng BHXH, BHYT. Qua đó, giúp người dân thấy được lợi ích thiết thực của việc tham gia đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu lúc về già.

Cũng theo ông Cường, BHXH huyện Triệu Phong còn chủ động bám sát địa bàn, từ đó đề xuất, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tuyên truyền, vận động người dân. Đặc biệt, BHXH huyện Triệu Phong đã phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh và Bưu điện huyện xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể với từng thôn, khóm để nắm bắt điều kiện kinh tế của từng hộ dân, xác định những đối tượng có tiềm năng kinh tế và khả năng tham gia BHXH tự nguyện. Sau đó, cử cán bộ đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động.

Việc Trung ương ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, đã tháo gỡ nhiều vướng mắc theo hướng linh động hơn, để NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, qua đó mở rộng bao phủ an sinh xã hội. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, BHXH các địa phương đã chủ động, kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện; cũng như giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, đưa chỉ tiêu này thành một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh các hội nghị tuyên truyền trực tiếp để vận động người dân, NLĐ trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội