Tính thời gian hưởng BHXH đối với người có thời gian công tác trước năm 1995

09/03/2021 08:53 AM


Trước khi ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995, tiếp sau đó vẫn làm việc và được cơ quan, đơn vị đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian trước năm 1995 được tính cộng nối để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, có những trường hợp người lao động có thời gian công tác trong khu vực nhà nước trước năm 1995, sau năm 1995 không tham gia bảo hiểm xã hội, hoặc gián đoạn một thời gian mới tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy từng trường hợp để tính hưởng bảo hiểm xã hội đối với thời gian công tác trước năm 1995.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: “Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân”.

 

Cán bộ BHXH hướng dẫn người dân về hồ sơ hưởng chế độ BHXH

Do đặc thù của nước ta khi chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới từ năm 1986 đến năm 1995, nhiều doanh nghiệp quốc doanh, nhiều ngành nghề gặp khó khăn, không có việc làm, phải giải thể, phá sản, thu hẹp sản xuất, người lao động phải nghỉ việc, tinh giản biên chế, phải rút chân ra khỏi cơ quan nhà nước để mưu sinh vì tiền lương không đủ trang trải cuộc sống. Quá trình chuyển dịch đó buộc nhiều người lao động phải bỏ thời gian đã công tác trong cơ quan Nhà nước, đồng nghĩa với việc từ bỏ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, các chế độ chính sách của nhà nước.

Theo các quy định trước đây về việc tính thời gian công tác hưởng bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức nhà nước thì người lao động làm việc thuộc khu vực Nhà nước mà đã nghỉ việc, nghỉ dài hạn không lương, tự tiện bỏ việc, bị kỷ luật buộc thôi việc, bì tù, bị tước quân tịch… thì thời gian công tác trước đó không được tính hưởng bảo hiểm xã hội.

Việc tính cộng nối thời gian công tác trước năm 1995 với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để hưởng bảo hiểm xã hội phải xác định rõ lý do nghỉ việc và nguyên nhân chưa được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, cũng như trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động. Tính cộng nối thời gian công tác trước năm 1995 được áp dụng đối với tất cả người lao động đã có thời gian trong khu vực nhà nước nói chung, tuy nhiên các trường hợp được tính cộng nối thường là bộ đội có thời gian xuất ngũ trước ngày 15/12/1993, thanh niên xung phong, người nghỉ chờ việc trong khoản thời gian từ năm 1987 đến năm 1994 do cơ quan, đơn vị chưa bố trí được việc làm, người nghỉ việc do cơ quan, đơn vị giải thể nhưng chưa được giải quyết chế độ…

Theo điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04/8/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì việc tính cộng nối thời gian công tác trước năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động do Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội căn cứ vào hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 để xem xét tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 đối với người lao động, bao gồm các giấy tờ sau: Hợp đồng lao động hoặc Quyết định tuyển dụng; các Quyết định nâng lương, chuyển xếp lương; Quyết định điều động hoặc Quyết định chuyển công tác; Quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành; Quyết định nghỉ chờ việc; Quyết định nghỉ việc hoặc chấm dứt Hợp đồng lao động; Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có).

Trường hợp người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 thì việc xem xét, quyết định tính hoặc không tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 là thời gian công tác đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định, dựa trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động, văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động (trường hợp cơ quan quản lý đã giải thể thì cơ quan quản lý cấp trên thực hiện việc xác nhận) và các giấy tờ có liên quan đến thời gian công tác đề nghị tính hưởng bảo hiểm xã hội để đối chiếu như: Lý lịch Đảng viên, Lý lịch đoàn viên, sổ lao động, danh sách lao động, sổ theo dõi, danh sách chi trả lương, sổ lương thực, giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương, văn bằng, chứng chỉ, hồ sơ giải quyết chế độ của người lao động khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước./.

Trương Văn Bá