Tiếp tục tăng cường quản lý công tác khám sức khỏe trong tình hình mới

09/03/2021 10:18 AM


Liên quan đến công tác khám sức khỏe, trong những năm qua, Bộ Y tế là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn về lĩnh vực khám sức khỏe, để đánh giá những bất cập khi thực hiện thông tư qua các năm và để tiếp tục tăng cường, quản lý công tác khám sức khỏe trong các lĩnh vực như đường bộ, đường thủy, đường hàng không...

 

Trong thời điểm thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế; y tế Bộ, ngành nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở thực hiện khám sức khỏe thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo bộ phận thực hiện khám sức khỏe nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật hướng dẫn liên quan đến công tác khám và cấp giấy khám sức khỏe; chấn chỉnh, xử lý theo các mức độ đối với các thiếu sót, tồn tại phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra của đơn vị và báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý.

Các đơn vị đảm bảo số điện thoại đường dây nóng trên website của Đơn vị hoạt động 24/24 để kịp thời tiếp nhận ý kiến, giải đáp thắc mắc của các cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động của Đơn vị; Cập nhật thường xuyên danh sách các vị công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe trên Cổng Thông tin điện tử của Đơn vị đồng thời báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh), Bộ LĐ-TB&XH (Cục Việc làm), Bộ Giao thông Vận tải (Cục Hàng hải, Cục Y tế).

Đặc biệt, trong việc quản lý Giấy khám sức khỏe, cần cập nhật, áp dụng công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được yêu cầu trong việc xác minh thông tin về Giấy khám sức khỏe và các nội dung liên quan; báo cáo khi có sự thay đổi về một trong các nội dung theo như văn bản đã công bố về cơ sở đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe; phối hợp với cơ quan báo chí, chính quyền địa phương, lực lượng công an trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp cố ý làm trái quy định của pháp luật trong hoạt động KCB và khám sức khỏe.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, tính đến sáng 9/3/2021, Việt Nam không ghi nhận có thêm ca nhiễm Covid-19. Hiện Việt Nam có tổng cộng 1.586 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 893 ca; đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa khỏi 1.920 bệnh nhân Covid-19. Ngày 8/3/2021, những liều vaccine đầu tiên đã được tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ, trong đó, có những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân tại các cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19 (những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử). Tại Công văn số 1406/BYT- KCB, Bộ Y tế đề nghị, trong giai đoạn hiện nay, khi cả thế giới cũng như Việt Nam đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoặc ký hợp đồng thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho người đi công tác, học tập ở nước ngoài phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình của Bộ Y tế, chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm của cơ quan, tổ chức mình.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội