Quyết tâm mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT

20/03/2021 08:51 PM


Trong năm 2020, với những giải pháp cụ thể và phù hợp thực tế, ngành BHXH Việt Nam đã phát triển được nhiều người tham gia BHXH, BHYT. Vì vậy, dù đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn Ngành vẫn quyết tâm mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện.

Đảm bảo gia tăng số người tham gia

Theo dự báo, giai đoạn 2021-2025, tình hình thế giới cũng như khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro. Việt Nam đang phải đối mặt với già hóa dân số, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn gây ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Những khó khăn này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT…

Hướng dẫn người dân thủ tục tham gia BHXH, BHYT

Để vượt qua khó khăn, thách thức, BHXH Việt Nam đã xác định phải luôn chủ động, tích cực tham gia và phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện nhiều dự luật quan trọng trình Quốc hội thông qua, nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 20-NQ/TW và Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Theo đó, BHXH Việt Nam dự kiến trong năm 2021 cả nước sẽ có 17,402 triệu người tham gia BHXH, tăng 1,241 triệu người (7,7%) so với năm 2020 và đạt tỷ lệ 35% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, có 15,804 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 770.000 người so với năm 2020; 1,598 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 470.000 người so với năm 2020; 14,099 triệu người tham gia BH thất nghiệp, tăng 779.000 người so với năm 2020, đạt tỷ lệ 28,3% lực lượng lao động trong độ tuổi; 89,371 triệu người tham gia BHYT, tăng 1,442 triệu người so với năm 2020 và đạt tỷ lệ 91,9% dân số tham gia BHYT.

BHXH Việt Nam cũng dự tính đến năm 2025 cả nước có 23,247 triệu người tham gia BHXH, tăng 1,511 triệu người so với năm 2024 và đạt tỷ lệ 45% lực lượng lao động trong độ tuổi- bằng chỉ tiêu phấn đấu tại Nghị quyết 28-NQ/TW. Trong đó gồm: 19,357 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 3,890 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; 17,787 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt tỷ lệ 35% lực lượng lao động trong độ tuổi và bằng chỉ tiêu phấn đấu tại Nghị quyết 28-NQ/TW; 95,937 triệu người tham gia BHYT, đạt 95% dân số - bằng chỉ tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Cùng với gia tăng số người tham gia vào hệ thống BHXH, số thu BHXH, BHYT và số người được hưởng các chế độ BHXH, BHYT cũng tăng theo. Năm 2021, toàn Ngành dự kiến giải quyết cho 154.054 người hưởng BHXH hằng tháng, tăng 1,89% so với năm 2020. Trong đó gồm: 129.032 người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí; 1.103.794 người được giải quyết hưởng các chế độ BHXH một lần. Dự kiến, năm 2025, toàn Ngành giải quyết cho 217.243 người hưởng BHXH hằng tháng. Trong đó, có 181.026 người được giải quyết chế độ hưu trí; 1.631.300 người được giải quyết hưởng các chế độ một lần. Dự kiến tổng số lượt người KCB BHYT năm 2021 là 192,4 triệu lượt và năm 2025 là 206,5 triệu lượt.

Nỗ lực triển khai

Để đạt mục tiêu trên, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 15-NQ/TW, Kết luận 92-KL/TW, Nghị quyết 20-NQ/TW và Nghị quyết 28-NQ/TW. Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; đẩy mạnh và đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT để cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách. Từ đó, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; củng cố niềm tin và lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về tính ưu việt, giá trị nhân văn của chính sách.

Toàn Ngành chú trọng tuyên truyền đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và NLĐ trong các KCN, KCX. Cùng với đó, phát huy vai trò của chính những người đã, đang tham gia và thụ hưởng chính sách, để họ lên tiếng chia sẻ về giá trị, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT; phát huy vai trò của tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đặc biệt, cần giúp người dân nhận biết các thông tin xấu, thông tin sai sự thật về chính sách BHXH, BHYT; chủ động phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng tích cực chủ động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Giải quyết, chi trả kịp thời các chế độ BHXH, BHYT cho người hưởng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; tập trung thanh tra, kiểm tra để kéo giảm nợ đọng và trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BH thất nghiệp, quỹ KCB BHYT. Đẩy mạnh cải cách TTHC và giao dịch điện tử; triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và DN; kết nối, tích hợp các dịch vụ công của BHXH Việt Nam với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công của Ngành. Nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức và DN. Thực hiện tốt việc hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chính sách cho tổ chức, DN và người dân thông qua các kênh chăm sóc khách hàng…

Tạp chí BHXH