Cần tiếp tục cho Điều 60 “sống lại” theo đúng tinh thần Luật BHXH 2014

29/03/2021 08:57 PM


Phát biểu thảo luận tại hội trường về nhiệm kỳ 2016-2020 của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị sớm xây dựng sàn an sinh xã hội chung cho tất cả các khu vực trên đất nước; đồng thời tiếp tục cho Điều 60 “sống lại” theo đúng tinh thần Luật BHXH 2014.

ĐB Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao và thống nhất cơ bản với Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Chính phủ. “Có thể nói, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ rất thành công, được cộng đồng thế giới ghi nhận và điều quan trọng là đem lại sự hài lòng của người dân. Tuy nhiên, cá nhân tôi có một số vấn đề còn băn khoăn, trăn trở xin...”- ĐB Lợi nhấn mạnh.

Theo ĐB Lợi, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã tập trung, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó có an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Điều này được thể hiện qua mức đầu tư cho an sinh xã hội chiếm đến 21% chi GDP, là tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo chưa được thu hẹp, mà có xu hướng giãn ra, phân hóa giàu nghèo tăng lên.

Do đó, để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, ĐB Lợi kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nên nghiên cứu xây dựng một sàn an sinh xã hội, để làm căn cứ xây dựng chính sách bảo vệ cho người dân không rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Cũng theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, quan điểm của Đảng ta là tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Chúng ta cũng không biết ai sẽ đứng dưới sàn an sinh xã hội và ai sẽ bị bỏ lại phía sau. Do đó, để có cơ sở xác định "người đang bị ở lại phía sau", rất cần có một thước đo cơ bản xác định một mặt bằng ngang, để chúng ta thấy rằng ai đang cần Nhà nước bảo hộ. "Đó chỉ có thể là một sàn an sinh xã hội chung cho tất cả các khu vực trên đất nước”- ĐB Lợi nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã phải ra một "nghị quyết bất thường" là cho tạm dừng Điều 60 Luật BHXH 2014 ngay sau khi ban hành. Đây là một tiền lệ chưa bao giờ có trong lịch sử pháp luật của đất nước, do Điều 60 Luật BHXH quy định các điều kiện hưởng BHXH một lần, nhằm hạn chế NLĐ rút ra khỏi quỹ bảo hiểm hưu trí khi đang có khả năng tham gia vào BHXH. Tuy nhiên, NLĐ không hiểu rõ, đã phản ứng, dẫn đến tình trạng công nhân trong một số DN đình công, buộc Quốc hội phải xem xét, ra Nghị quyết số 93 năm 2015 về thực hiện chính sách BHXH một lần. “Có thể nói, Điều 60 Luật BHXH là rất nhân văn, nhằm bảo vệ cho NLĐ tham gia bảo hiểm đến khi về già được hưởng lương hưu, được hưởng BHYT và được hưởng trợ cấp tử tuất, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, do NLĐ chưa hiểu rõ, nên NLĐ đã yêu cầu được hưởng BHXH một lần”- ĐB Lợi phân tích.

Sau khi Nghị quyết số 93 của Quốc hội có hiệu lực, năm 2016 đã có hơn 600.000 người có quyết định hưởng BHXH một lần; đến năm 2018 tăng lên 880.000 người ra khỏi hệ thống BHXH khi quyết định hưởng BHXH một lần... "Điều này rất đáng suy nghĩ cho hệ thống an sinh xã hội lâu dài của đất nước; và rõ ràng nó dẫn đến một hệ lụy là sẽ không thực hiện được BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương khóa XII. Điều này rất đáng buồn"- ĐB Lợi chia sẻ.

Dẫn số liệu tại một Hội thảo được tổ chức gần đây, ĐB Lợi cho biết, rất nhiều NLĐ đã từng nghỉ hưởng BHXH một lần phàn nàn rằng cuộc sống của mình hiện rất khó khăn, nên đề nghị Nhà nước có hướng để xử lý vấn đề BHXH một lần. “Chính phủ đánh giá thật đầy đủ tình hình thực hiện chính sách BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết số 93 của Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Nghị quyết số 93, để tiếp tục cho Điều 60 "sống" lại theo đúng tinh thần của Luật BHXH 2014”- ĐB Lợi kiến nghị.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội