Bảo hiểm thất nghiệp: "Phao cứu sinh" của người lao động

05/05/2021 08:45 AM


Được triển khai từ năm 2009 đến nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã dần đi vào cuộc sống và đạt được các kết quả đáng khích lệ, được cả người lao động và doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay đại dịch Covid-19 đã và đang tác động lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất; nhiều người lao động mất việc làm ảnh hưởng lớn tới thu nhập và đời sống, dẫn đến đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng. Lúc này, chính sách BHTN đã thật sự phát huy vai trò, tính ưu việt của mình, cụ thể khi tham gia BHTN nếu người lao động không may bị mất việc làm thì chế độ của người lao động được quỹ BHTN bảo đảm, ngoài việc hưởng một khoản tiền trợ cấp, quan trọng hơn là người lao động được hỗ trợ tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới…

 Một phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, trong 12 năm (2009-2020) số người tham gia BHTN trên địa bàn đều tăng. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh chỉ có 36.728 người tham gia, thì năm 2020 con số này đã là 87.879 người. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2021 số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.404 người, tăng 16.8% so với cùng kỳ năm 2020, với số tiền chi gần 24 tỷ đồng.  Qua đó thấy được BHTN đã thật sự giúp người lao động bảo đảm, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Thời gian qua, ngoài việc tổ chức tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN theo phương châm 3 đúng: “Đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú như: Thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng; treo pano, phát tờ rơi; hội nghị, hội thảo; lồng ghép các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động tại các địa phương; phối hợp với các đoàn thể trong đó có cơ quan BHXH tỉnh tổ chức tập huấn về chính sách BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động để giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình... Qua đó, góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận và củng cố niềm tin của người lao động vào các chính sách BHTN. Có thể nói, chính sách BHTN có được kết quả như hiện nay là nhờ công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành liên quan. Ðặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã phát huy chức năng quản trị thị trường lao động thông qua thực thi chính sách BHTN; giúp người lao động bảo đảm một phần cuộc sống, vượt qua những khó khăn lúc đại dịch.

Với sự nỗ lực của cơ quan BHXH, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk và sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, tin tưởng rằng chính sách BHTN sẽ là “Phao cứu sinh” giúp người lao động mất việc sớm ổn định cuộc sống và sớm quay lại thị trường lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Huỳnh Kim Tưởng