Ngành BHXH Việt Nam: Vừa đảm bảo phục vụ ASXH, vừa phòng, chống dịch hiệu quả

07/05/2021 03:05 PM


Sáng ngày 7/5/2021, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan tháng 5/2021. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự còn có các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; Đảng uỷ, Văn phòng HĐLQ; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Toàn Ngành nỗ lực vượt bậc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và trong nước. Chính vì vậy, toàn Ngành trong triển khai nhiệm vụ phải gắn liền với phòng, chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong 4 tháng đầu năm, Hội nghị sẽ tập trung vào phân tích thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, những chỉ tiêu chính, qua đó đưa ra được những giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã tiếp tục tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, việc làm của NLĐ. Do đó, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ngành trong những tháng đầu năm 2021, đặc biệt là công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tính đến ngày 6/5, số người tham gia BHXH đạt trên 16 triệu người (đạt 32,17% LLLĐ trong độ tuổi); trong đó, gần 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, giảm trên 81.000 người so với cuối năm năm 2020; trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, giảm trên 16.000 người so với hết năm 2020. Toàn quốc có trên 87 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,44% dân số; giảm 220.000 người so với cuối năm 2020.

Đáng chú ý, mặc dù chỉ số phát triển đối tượng chưa đạt như kỳ vọng, nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Số thu BHXH, BH thất nghiệp, BHYT tăng 7,55% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ nợ trên số phải thu giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là thời điểm những tháng đầu năm 2021 ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng giảm so với những tháng đầu năm 2020, do đó hoạt động của đơn vị, DN khởi sắc; tạo thêm nhiều việc làm cho NLĐ; tiền lương cho NLĐ cũng tăng. Các tháng còn lại của năm 2021, toàn Ngành cần phát triển thêm 956.127người tham gia BHXH bất buộc; 624.416 người tham gia BHXH tự nguyện; 980.264 người tham gia BH thất nghiệp và 2.627.864 người tham gia BHYT.

Số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng. Tính đến hết tháng 4/2021 toàn quốc giải quyết cho 365.940 người hưởng trợ cấp một lần, tăng 70.534 người so với cùng kỳ năm trước. Số người hưởng chế độ một lần tăng do tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều NLĐ mất việc làm, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn chủ yếu vào những tháng đầu năm 2020, đến nay đã đủ điều kiện để giải quyết hưởng chế độ một lần theo quy định. Số người giải quyết hưởng mới chế độ BHXH hằng tháng là 21.862 người, giảm so với cùng kỳ 2020 là do quy định về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có hiệu lực từ 1/1/2021; số người hưởng ốm đau, thai sản, dưỡng sức PHSK giảm, nguyên nhân chủ yếu là Ngành BHXH đã tăng cường ứng dụng CNTT, thực hiện tốt việc đối soát dữ liệu nên hạn chế tình trạng lợi dụng, trục lợi chế độ, chính sách.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ cho biết, trong tháng 5 Ban đã thực hiện rà soát, phân bổ kế hoạch thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2021 trên cơ sở kế hoạch của Chính phủ giao, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH, địa giới hành chính, dư địa, tiềm năng thực tế của từng địa phương. Hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện cấp thẻ BHYT theo mẫu mới. Tổng hợp, đánh giá, đề xuất, xin ý kiến thống nhất của Bộ Y tế về việc triển khai, sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi KCB BHYT từ 1/6/2021 trên phạm vi toàn quốc. Đáng chú ý, đến nay 58 tỉnh, thành phố đã thành lập được BCĐ Thực hiện chính sách BHXH, BHYT; 18 tỉnh, thành phố thành lập BCĐ ở cấp huyện. Riêng tỉnh Bình Dương đã thành lập được BCĐ Thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến tận cấp xã…

Trong công tác thực hiện chính sách BHYT, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT nhận định số lượt người KCB và số chi KCB BHYT đều tăng so với cùng kỳ năm 2020; nguyên nhân là tại thời điểm những tháng đầu 2020 do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thực hiện cách ly, giãn cách xã hội nên người đi KCB hạn chế. Theo đó, tính đến hết tháng 4/2021 có trên 53 triệu lượt người đi KCB; với số chi khoảng 33,08% so với kế hoạch Chính phủ giao, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Đảm bảo quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT

Chia sẻ những kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm, Giám đốc BHXH TP.Hà Nội Nguyễn Đức Hoà cho biết, hầu hết các chỉ số phát triển đối tượng của BHXH TP đều tăng so với 31/12/2020. Chỉ riêng số người tham gia BHXH bắt buộc tháng 4 giảm khoảng 7.000 người so với tháng 3. Đồng thời, cho biết, 6 tháng cuối năm, BHXH TP sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ; trong đó, sử dụng nhiều biện pháp cụ thể như phối hợp với sở, ban, ngành thực hiện công tác TTKT nhằm giảm tỷ lệ nợ, giải quyết quyền lợi NLĐ; xây dựng các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt việc giao dự toán chi phí KCB BHYT năm 2021 đảm bảo quyền lợi người tham gia. Đặc biệt, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để tăng số lượng người cài đặt ứng dụng VssID trên địa bàn đạt và vượt chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.

Sau khi nghe ý kiến của các Ban, Vụ trực thuộc BHXH Việt Nam, các Phó Tổng Giám đốc cũng đã có những ý kiến chỉ đạo cụ thể trong từng lĩnh vực. Trong đó, lưu ý chủ động truyền thông những nội dung liên quan đến sửa Luật BHXH, BHYT, Luật Thanh tra; Xây dựng các giải pháp đột phát trong phát triển đối tượng tham gia đặc biệt là phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Thay đổi tư duy từ hành chính sách phục vụ chuyên nghiệp, kịp thời biểu dương kịp thời các mô hình, cá nhân, tập thể có cách làm hay, sáng tạo trong phát triển đối tượng tham gia. Đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Trong đó thực hiện phân quyền, phân cấp cụ thể đối với từng BHXH địa phương, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn để đảm bảo mục tiêu kép là phục vụ tốt Nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và BHXH Việt Nam.

Nhấn mạnh những khó khăn chung, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp đã tạo áp lực lên thực hiện nhiệm vụ của Ngành BHXH Việt Nam. Đặc biệt, bên cạnh đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT theo đúng quy định, toàn Ngành còn phải theo dõi sát tình hình thực tế để có đề xuất, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ người dân trong việc thụ hưởng quyền lợi, nhất là KCB BHYT. “Khó khăn là vậy nhưng toàn Ngành đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch được giao. Toàn Ngành cơ bản hoàn thành được các chỉ tiêu theo kế hoạch. Hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ, chỉ có một số ít chỉ tiêu giảm nhẹ. Đáng chú ý là số thu tăng và số nợ tương đối giảm”- Tổng Giám đốc đánh giá.

Tổng Giám đốc nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, Chính phủ dự báo còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, độ trễ của DN; nhiều chính sách mới được triển khai, thực hiện. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.

Tổng Giám đốc yêu cầu, các đơn vị thực hiện rà soát xây dựng các quy trình cho từng nhiệm vụ cụ thể; rà soát, tổng hợp báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Tiếp tục đổi mới tư duy, cách thức trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, thay đổi tư duy nhận thức của cán bộ Ngành BHXH trong việc tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân tham gia BHXH góp phần chung tay đảm bảo ASXH cho Nhân dân đặc biệt đối với những nhóm người yếu thế. BHXH các địa phương tiếp tục đôn đốc, tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp quận, huyện nhanh chóng thành lập các BCĐ về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, thành lập các BCĐ đến cấp xã. Giám đốc BHXH địa phương trực tiếp chỉ đạo quận, huyện tiếp tục rà soát nhằm xây dựng kho dữ liệu về đối tượng chưa tham gia BHXH, BHYT. Đối với những địa phương đã có cảnh báo về việc gia tăng chi phí KCB BHYT thì phải có tổng hợp, báo cáo, đồng thời có những phân tích, đưa ra được các giải pháp khắc phục cụ thể nhằm vừa đảm bảo quyền lợi của Nhân dân và đảm bảo cân đối quỹ KCB… BHXH địa phương cần tập trung nhân lực rà soát dữ liệu của người tham gia BHXH, BHYT trên ứng dụng VssID nhằm đảm bảo dữ liệu được chuẩn hoá và đầy đủ.

Nhấn mạnh BHXH Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, việc sửa đổi Luật BHYT, BHXH, Thanh tra đang là cơ hội, yêu cầu chính đáng để BHXH Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan có tiếng nói phải từ thực tế cơ sở cần có đánh giá, tác động, chủ động truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận dư luận đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người dân, NLĐ; tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo ASXH”- Tổng Giám đốc yêu cầu.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội