Sửa đổi Luật BHXH 2014: Cần thiết và phù hợp với thực tế

06/06/2021 05:44 PM


Việc đề xuất sửa đổi Luật BHXH 2014 đã bám sát mục tiêu cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết 28-NQ/TW. Việc sửa đổi rất cần thiết bởi nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, bà Đinh Thị Thu Hiền- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng, việc sửa đổi luật lần này bám theo các nội dung lớn như: Mở rộng diện bao phủ BHXH để nhiều người dân có cơ hội tham gia và hưởng các chế độ BHXH; đảm bảo nguyên tắc chia sẻ không chỉ trong các chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN mà còn trong chế độ hưu trí mà cụ thể là chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp; quy định lại thời gian đóng BHXH tối thiểu được hưởng lương hưu để hạn chế số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu… 

 

* Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi liên quan đến chế độ hưu trí. Theo đề xuất này, mức hưởng lương hưu sẽ được tính toán lại, tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được hưởng quyền lợi hưu trí. Từ góc độ cơ quan thực hiện chính sách BHXH, bà nhận định như thế nào về đề xuất này?

- Bà Đinh Thị Thu Hiền:

Theo quy định của Luật BHXH 2014 và Nghị quyết 93/2015/QH13, điều kiện hưởng BHXH một lần hiện nay chưa quán triệt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH như Nghị quyết 28-NQ/TW đặt ra. Sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH, NLĐ có thể hưởng BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó. Như vậy, NLĐ hằng tháng chỉ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương tháng, một năm đóng 0,96 tháng lương, thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận BHXH một lần sẽ tạo ra lầm tưởng về lợi ích kinh tế của NLĐ. Cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến NLĐ mong muốn được nhận BHXH một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.

Cũng theo Luật BHXH 2014, thời gian tối thiểu tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí phải đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều NLĐ do có thời gian tham gia BHXH ngắn, nên khi hết tuổi lao động và không thể làm việc tiếp thì khó tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Số liệu thống kê cho thấy, số người đang tham gia BHXH rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.

Cụ thể, nếu như năm 2016 có hơn 600.000 người hưởng BHXH một lần, thì đến năm 2020 có 880.000 người ra khỏi hệ thống BHXH. Trong khi đó, năm 2020, cả nước có hơn 1 triệu người tham gia vào hệ thống BHXH, số người vào hệ thống BHXH và số người ra khỏi hệ thống gần như bằng nhau. Điều này rất đáng suy nghĩ cho chính sách an sinh xã hội lâu dài của đất nước, khiến chúng ta khó có thể thực hiện được mục tiêu BHXH toàn dân.

Đáng chú ý, đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong số đó, có khoảng 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng (chiếm 22,1%) trong tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người), thì có gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hằng tháng. Như vậy, vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác.

Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW, chính sách BHXH cần sửa đổi điều kiện để tạo thuận lợi hơn cho NLĐ lớn tuổi được hưởng lương hưu. Việc đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí chính là đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo NLĐ mong muốn được đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, được hưởng chế độ hưu trí khi về già.

* Theo bà, việc đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu có ảnh hưởng tới mục tiêu đảm bảo cân đối quỹ hưu trí, tử tuất không?

- Ở một góc độ nào đó thì việc đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí cũng tác động đến quỹ BHXH. Tuy nhiên, về tổng thể chung, NLĐ không hưởng lương hưu thì cũng hưởng BHXH một lần. Vì vậy, chính sách này tạo động lực để NLĐ có niềm tin chắc chắn mình sẽ được hưởng lương hưu và không nhận BHXH một lần. NLĐ cũng có động lực tham gia BHXH tự nguyện đóng góp vào quỹ BHXH để được hưởng lương hưu ở mức cao hơn, góp phần tăng diện bao phủ BHXH.

 

Giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ

Nếu số người tham gia BHXH ổn định, thì quỹ BHXH cũng ổn định, bảo toàn chi trả cho NLĐ sau này. Tất nhiên, chúng ta cần tuyên truyền để NLĐ hiểu được rằng, dù có thể mức lương hưu chưa cao do thời gian đóng BHXH ngắn- nhưng đây là khoản quyền lợi rất quý so với việc tuổi già không có lương hưu.

Tôi cho rằng, nội dung sửa đổi giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí là một trong những nội dung quan trọng, cần được tiến hành đồng bộ với các đề xuất khác, nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong thiết kế chính sách. Đồng thời với tính bền vững về mặt xã hội và tài chính của hệ thống an sinh xã hội thông qua bảo đảm cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn, nội dung này nằm trong 11 nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết 28-NQ/TW.

 * Một trong những lý do khiến nhiều NLĐ chưa tham gia BHXH là thời gian tham gia quá dài để được hưởng lương hưu. Vậy việc giảm số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu, liệu có giúp chính sách hấp dẫn hơn, qua đó tăng độ bao phủ BHXH không, thưa bà?

- Thực tế ngành BHXH Việt Nam đang gặp khó khăn nhất định trong việc phát triển người tham gia BHXH. Tuy được đổi mới, bổ sung, nhưng chính sách BHXH vẫn đang tồn tại nhiều bất cập như: Độ bao phủ BHXH tăng chậm, việc mở rộng và phát triển người tham gia còn dưới mức tiềm năng… Một trong những nguyên nhân khiến NLĐ chưa tham gia BHXH là do thu nhập của họ còn thấp, chưa ổn định nên chưa có tích lũy để đóng BHXH; trong khi đó điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu khá dài (20 năm).

Vì vậy, việc đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng hưu trí sẽ đạt yêu cầu về sự linh hoạt của chính sách, tăng tính hấp dẫn và là động lực để NLĐ có niềm tin chắc chắn mình sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu, để không nhận BHXH một lần. NLĐ cũng sẽ có động lực tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu ở mức cao hơn, góp phần tăng diện bao phủ BHXH, hướng đến mục đích cuối cùng là đảm bảo an sinh xã hội.

* Trân trọng cảm ơn bà!

Tạp chí BHXH