Khơi thông nhận thức trong phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

08/06/2021 09:37 AM


"Tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) làm gì?"; "Tham gia BHXH tự nguyện thì phải mấy chục năm nữa mới được nhận lương hưu"; "Giờ đang còn khỏe mạnh, đâu cần tham gia bảo hiểm"... Những câu nói ấy chúng ta vẫn có thể bắt gặp đâu đó trong các cuộc trao đổi, trò chuyện hay những bình luận trên mạng xã hội, mặc dù chính sách BHXH tự nguyện đã có hơn 12 năm thực hiện.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã cho thấy "sức sống" mạnh mẽ của chính sách này, nhưng những cách hiểu, cách nghĩ như trên không phải là số ít, thậm chí cần thừa nhận đó là một thực tế đáng lo ngại.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm đầu tiên triển khai chính sách này mới chỉ có hơn 6.000 người tham gia, thì đến cuối năm 2020, cả nước đã có hơn 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tương đương với hơn 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, cao hơn hai lần so với mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đề ra cho năm 2021. Tuy nhiên, nếu so với số lao động phi chính thức không thuộc diện bao phủ BHXH bắt buộc, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Ngoài một số nguyên nhân đã được phân tích, như: Chính sách này chưa thật sự đáp ứng nhu cầu đa dạng của người lao động (mới chỉ bao gồm hai chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất); mức hỗ trợ cho người tham gia còn thấp; việc làm của lao động phi chính thức còn thiếu ổn định, thu nhập chưa cao..., thì "khoảng trống" trong nhận thức về bảo hiểm nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng của một bộ phận dân cư như đã nói ở trên chính là một trở ngại trong việc mở rộng bao phủ của chính sách này.

Trên thực tế, những khó khăn trong phát triển BHXH theo hình thức tự nguyện không chỉ có ở nước ta. Tuy nhiên, vì tầm quan trọng của chính sách này đối với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong bối cảnh mới chỉ có 45% dân số toàn cầu được bảo vệ bởi ít nhất một lợi ích an sinh xã hội và nhất là xu hướng già hóa dân số, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA)... đều cho rằng việc thực hiện BHXH tự nguyện là hết sức cần thiết. Hình thức bảo hiểm này, trước hết, sẽ giúp người lao động có được nguồn tài chính dự phòng cần thiết khi về già, mất sức lao động..., góp phần ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình. Với xã hội, đây là cơ chế chia sẻ rủi ro, nâng cao tính cộng đồng xã hội, là công cụ phân phối, sử dụng nguồn quỹ dự phòng hiệu quả cho việc giảm hậu quả rủi ro, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội; góp phần bảo đảm công bằng xã hội giữa lao động ở khu vực chính thức và phi chính thức; giảm gánh nặng cho ngân sách...

Nhìn nhận rõ những lợi ích đó, chính sách BHXH tự nguyện tại Việt Nam đã được thiết kế với nhiều điểm ưu việt, như: Ðối tượng được mở rộng; người tham gia được tự lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng; được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia với thời gian hỗ trợ lên đến 10 năm; thời gian đóng linh hoạt; cách tính tỷ lệ hưởng tương đương với lao động tham gia BHXH bắt buộc; được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế khi hưởng lương hưu (không phải mua bảo hiểm y tế); lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế… Trong tiến trình cải cách chính sách BHXH, việc sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH tự nguyện cũng đã được tính đến như từng nâng mức hỗ trợ từ ngân sách cho người tham gia; giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm; bổ sung chế độ ngắn hạn linh hoạt như ốm đau, thai sản.

Có thể nói, chính sách BHXH tự nguyện ở nước ta đã và sẽ tiếp tục được hoàn thiện, với mục tiêu đáp ứng và phục vụ ngày càng tốt hơn người tham gia. Vấn đề còn lại là trong quá trình thực hiện cần có những giải pháp đột phá để khơi thông được những hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân, người lao động về chính sách này, để từ đó tích cực và chủ động tham gia, tự bảo đảm an sinh cho mình và người thân cũng như chung tay bảo đảm an sinh xã hội.

 

Báo Nhân dân