Tăng độ bao phủ BHXH: Cần nhiều cơ chế khuyến khích người dân tham gia

10/06/2021 09:21 PM


Hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thì mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH càng thêm khó khăn. Bởi vậy, để khuyến khích người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, Nhà nước cần tăng cơ chế hỗ trợ, nhằm thúc đẩy người dân, nhất là lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH.

Còn nhiều khoảng trống

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đến hết năm 2020, cả nước còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Trong khi đó, chính sách BHXH tự nguyện cho lao động khu vực phi chính thức mới giới hạn ở 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, chưa thực sự hấp dẫn được NLĐ. Ngay BHXH bắt buộc cũng còn “bỏ sót” một số nhóm đối tượng có nhu cầu và khả năng tham gia như: Chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt. Vì thế, mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 45% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn.

Đánh giá việc thực hiện Luật BHXH 2014, TS.Hoàng Bích Hồng- Khoa Bảo hiểm (ĐH LĐ&XH) nhận định, trong giai đoạn 2016-2020, số lao động tham gia BHXH bắt buộc tăng thêm trên 2,1 triệu người (trung bình mỗi năm tăng 4%). Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 40% số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia- điều này cho thấy việc thực thi pháp luật BHXH đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng (tính đến hết năm 2020 mới có trên 1,2 triệu người tham gia, chiếm 3,7% số đối tượng thuộc diện tham gia)…

Nhằm mở rộng độ bao phủ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đã có Tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, trong đó đề xuất: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu; tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như: Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng (chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương); có quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với CCVC, NLĐ không chuyên trách ở cấp xã, người giao kết HĐLĐ...

Tăng hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện

Hiện nay, trong cả nước vẫn còn số lượng lớn NLĐ khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH. Nguyên nhân là do chính sách BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ hưởng (hưu trí, tử tuất); trong khi nhóm này có thu nhập không cao và bấp bênh… Vì thế, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm… cũng là cách để thu hút NLĐ, nhất là NLĐ ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

“Nhà nước hỗ trợ cho NLĐ khu vực phi chính thức để khuyến khích họ tham gia BHXH. Có thể tham khảo cách làm của Trung Quốc, Thái Lan áp dụng hệ thống đồng đóng góp, trong đó NLĐ đóng một phần và Chính phủ hỗ trợ một phần. Một số quốc gia khác giảm học phí cho con của những NLĐ chưa tham gia BHXH để họ dùng tiền đó đóng BHXH. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung dần các chế độ hưởng BHXH như thai sản, TNLĐ-BNN, ốm đau để hấp dẫn NLĐ…”- PGS-TS.Giang Thanh Long- Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý (ĐH Kinh tế Quốc dân) đề xuất.

TS.Nguyễn Hữu Dũng- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho rằng, để tăng độ bao phủ BHXH, Nhà nước cần phải có quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ có thu nhập bình quân tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương tối thiểu vùng. Những người này làm trong khu vực nông nghiệp như làm kinh tế hộ gia đình, sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo mô hình kinh tế trang trại… Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc còn là NLĐ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức như: Hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh, NLĐ làm trong nền kinh tế chia sẻ (bán hàng online, dịch vụ liên quan đến công nghệ cao...). “Nếu thu nhập của NLĐ dưới mức tiền lương tối thiểu vùng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giống như đang áp dụng đối với nông dân tham gia BHXH tự nguyện. Nhà nước cũng cần tăng phần hỗ trợ cho lao động nông dân nghèo, mới thoát nghèo tham gia BHXH tự nguyện”- TS.Dũng đề xuất.

Còn theo TS.Hoàng Bích Hồng, chính sách BHXH cần làm rõ sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, giúp NLĐ được cộng nối thời gian tham gia BHXH và cách tính lương hưu là giống nhau, để tránh tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần khi rời khỏi khu vực tham gia bắt buộc. Bên cạnh đó, chính sách BHXH phải cố định kể từ khi tham gia đối với mỗi NLĐ hoặc nếu có sự thay đổi thì cũng được thông báo ngay từ khi NLĐ bắt đầu tham gia. Chính sách BHXH ổn định sẽ tạo sự tin tưởng cho người dân, vừa tăng tính tự giác cho nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, vừa khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện.

“Cùng với đó, Nhà nước thay đổi cách thức hỗ trợ người cao tuổi (NCT), chuyển từ hỗ trợ hưởng sang hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện. Bởi, hiện nay, NCT không có lương hưu hoặc trợ cấp từ NSNN sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và nguồn trợ cấp này từ NSNN. Tuy nhiên, việc thực hiện trợ cấp xã hội cũng gây ra sự bất bình đẳng giữa những NCT, bởi người được hưởng lương hưu là do họ đã đóng góp/tích lũy trong thời gian làm việc, khi đó họ không được hưởng trợ cấp xã hội. Do vậy, để đảm bảo lương hưu cho mọi NCT và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa những NLĐ, cần có sự tích hợp giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác, thay vì trợ cấp cho NCT thì chuyển sang hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện. Như vậy, sẽ đảm bảo mọi NCT đều có lương hưu”- TS.Hồng phân tích.

Vừa qua, BHXH Việt Nam có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị báo cáo trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đề xuất, mức hỗ trợ tăng từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Theo tính toán của BHXH Việt Nam, dự kiến số tiền chi hỗ trợ sẽ tăng dần từng năm, đến năm 2025 dự kiến là 1.167 tỷ đồng và đến năm 2030 là 3.141 tỷ đồng. Nếu chính sách này được thực thi, dự kiến năm 2025 tăng khoảng 3,6 triệu người và đến năm 2030 tăng 8,9 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là một trong những giải pháp nhằm giúp người dân, NLĐ vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, để tham gia BHXH nhằm đảm bảo an sinh cho tương lai.

(* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tạp chí BHXH