Quyết liệt thực hiện các biện pháp thu
19/07/2021 07:14 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ nay đến cuối năm, ngành BHXH Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác thu BHXH, BHYT. Ông Dương Văn Hào-Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đã trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH về các giải pháp của Ngành nhằm vượt qua thách thức để phát triển số người tham gia BHXH, BHYT và hoàn thành kế hoạch thu được Chính phủ giao.
Theo ông Dương Văn Hào, trong 6 tháng đầu năm nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhiều DN cũng như đời sống người dân. Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, như: Kịp thời giao kế hoạch, chỉ tiêu cho BHXH các tỉnh, thành phố; sửa đổi, đơn giản hóa các quy định, quy trình liên quan công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; hàng tháng duy trì tổ chức hội nghị trực tuyến công tác thu để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương; mở rộng hệ thống đại lý thu…
* PV: Ông có thể nói rõ những kết quả mà Ngành đã đạt được trong 6 tháng đầu năm nay?
- Ông Dương Văn Hào: Tính đến hết tháng 6/2021, cả nước đã có 16,17 triệu người tham gia BHXH, trong đó có 1,17 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 3,01% so với năm 2020; 87,48 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,63% dân số. Về số thu, toàn Ngành thu đạt 45,23% kế hoạch được Chính phủ giao, tăng 6,22% so với cùng kỳ năm 2020…
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn có những điểm sáng nhất định. Theo đó, 10 tỉnh, thành đạt tỷ lệ thu cao nhất, như: Tuyên Quang (52,31%), Quảng Ngãi (49,61%), Lai Châu (48,59%), Đồng Tháp (48,5%), Bình Phước (48,42%), Thanh Hóa (48,41%), Vĩnh Phúc (48,35%), Nghệ An 48,27%), Hưng Yên (48,16%), Điện Biên (48,01%).
* Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông, đâu là những khó khăn, thách thức?
- Nhìn chung, tốc độ gia tăng người tham gia BHXH bắt buộc còn chậm, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng và tỷ lệ nợ BHXH, BHYT còn cao. Nguyên nhân một phần là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong một số KCN, làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN và đời sống NLĐ. Bên cạnh đó, còn do BHXH một số địa phương chưa quyết liệt triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam; chưa kịp thời tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; chưa kịp thời kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đại lý thu.
Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công tác truyền thông, vận động tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, do thực hiện Quyết định số 861-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, số tham gia BHYT giảm do nhiều người không còn được NSNN hỗ trợ đóng.
Ngoài ra, hoạt động của nhiều DN chưa thể ổn định ngay, tác động đến số tham gia BHXH bắt buộc; việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cũng có thể khiến quá trình hoàn thành kế hoạch thu của Ngành gặp nhiều khó khăn hơn.
* BHXH Việt Nam có giải pháp nào để vượt qua khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2021, thưa ông?
- Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ BHXH, BHYT trong những tháng cuối năm. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành; tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã đề ra; điều chỉnh kế hoạch thanh tra chuyên ngành và kiểm tra cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh. Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử, chú trọng khai thác CSDL của Ngành để phân tích, đánh giá; tập trung thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị, DN có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Về phía BHXH các tỉnh, thành phố cần nắm bắt sát sao tình hình DN; xây dựng kế hoạch đôn đốc thu, giảm nợ hàng tuần, hàng tháng; xây dựng kế hoạch phát triển người tham gia BHXH, BHYT; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến tận cấp xã; tiếp tục phân nhóm theo tiềm năng tham gia đến từng thôn, bản, tổ dân phố… Đối chiếu, rà soát, dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế ở từng địa phương.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số