Ngành BHXH Việt Nam triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP: Nêu cao tính chủ động, sáng tạo

27/07/2021 09:35 PM


Những ngày qua, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Giám đốc, BHXH các địa phương đã nỗ lực triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chỉ đạo của BHXH Việt Nam về chính sách hỗ trợ NLĐ, DN gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) đã trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH về thực hiện nhiệm vụ này.

* PV: Đã hơn 2 tuần kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đến thời điểm này, ông có thể cho biết về tiến độ triển khai nhiệm vụ này của ngành BHXH Việt Nam?

- Ông Dương Văn Hào:

Trước hết, cần nhấn mạnh tinh thần khẩn trương, quyết liệt của toàn ngành BHXH Việt Nam để triển khai một cách nhanh nhất chính sách hỗ trợ NLĐ, DN gặp khó khăn do COVID-19. Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 và nhất là sau khi có Quyết định số 23, lãnh đạo BHXH Việt Nam và các bộ phận tham mưu đã không quản khó khăn, làm việc cả ngày nghỉ, ngày thứ Bảy, Chủ nhật để ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện.

 

Hàng loạt công việc đã được triển khai chỉ trong một thời gian rất ngắn. Theo đó, chỉ một ngày sau khi có Quyết định 23, ngày 8/7, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 1988/BHXH-TST hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ, DN gặp khó khăn do COVID-19. Ngày 9/7, tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành để triển khai thực hiện; đến ngày 15/7 ban hành Công văn số 2062/BHXH-TST tiếp tục chỉ đạo các nội dung công việc cần triển khai.

Về cơ bản, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng ban hành quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, quy định rõ trách nhiệm từng đơn vị trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ. Đảm bảo kinh phí chi trả cho đơn vị SDLĐ để kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.

Tinh thần chung là BHXH Việt Nam chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục với thời gian rút ngắn hơn một ngày so với yêu cầu tại Quyết định số 23; quán triệt đến BHXH các tỉnh tuyệt đối không phát sinh thêm TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho NLĐ, DN.

* Sự chỉ đạo từ BHXH Việt Nam được đánh giá rất kịp thời và quyết liệt. Vậy quá trình thực hiện tại các địa phương có gì vướng mắc không, thưa ông?

- Tại Hội nghị trực tuyến mới đây, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã quán triệt các đơn vị nghiệp vụ lưu ý có văn bản hướng dẫn rõ ràng về tiêu chí, điều kiện, quy trình xử lý thủ tục... Đây là cơ sở để quá trình thực hiện tại các địa phương được thuận lợi, nhịp nhàng. Do đó, về cơ bản, chưa có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Đến nay, BHXH các tỉnh cũng phát huy tính chủ động, triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Hầu hết BHXH các tỉnh đã có văn bản gửi tới những đơn vị SDLĐ về thực hiện chính sách hỗ trợ theo hướng dẫn tại Công văn số 1988/BHXH-TST.

 

Xử lý hồ sơ TTHC để hỗ trợ NLĐ được nhanh chóng

Một số địa phương còn có cách làm sáng tạo rất đáng ghi nhận. Ví dụ như dù đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng BHXH TP.HCM vẫn chỉ đạo các bộ phận rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xuống chỉ còn một ngày làm việc cho tất cả các loại hồ sơ, nhằm hỗ trợ kịp thời cho người SDLĐ và NLĐ. BHXH TP.Hà Nội đã thành lập Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ, DN…

* Với sự vào cuộc đồng bộ từ BHXH Việt Nam đến BHXH cấp huyện, đến thời điểm này, kết quả thực hiện bước đầu thế nào, thưa ông?

-Dựa trên CSDL thu, chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan BHXH đã triển khai xong việc gửi thông báo đến các đơn vị thuộc diện được điều chỉnh mức đóng vào quỹ BH TNLĐ-BNN để các đơn vị chủ động phương án hỗ trợ NLĐ, DN. Theo tổng hợp, đến hết ngày 19/7, BHXH các cấp đã gửi thông báo cho 375.335 đơn vị SDLĐ, tương ứng 11.238.437 NLĐ, với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ BH TNLĐ-BNN từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 khoảng 4.322 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 5 đơn vị với 464 NLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với số tiền 1,76 tỷ đồng. Xác nhận cho 52.081 NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương; 534 NLĐ ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 117 NLĐ ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để vay vốn trả lương ngừng việc; 387 NLĐ được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương, phục hồi sản xuất (đối với chủ SDLĐ phải tạm dừng hoạt động); 22 NLĐ được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người SDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

TP.HCM là địa phương có số DN và NLĐ được hỗ trợ giảm mức đóng lớn nhất nước, với 101.356 DN, tương ứng hơn 2,3 triệu NLĐ được hỗ trợ, tổng số tiền hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng. Tiếp theo là Hà Nội có trên 87.000 DN với hơn 1,4 triệu NLĐ, tổng số tiền hỗ trợ trên 640 tỷ đồng. Các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh… cũng là những địa phương có số DN và NLĐ được hỗ trợ giảm đóng tương đối lớn.

* Thời gian tới, cơ quan BHXH sẽ chú trọng thực hiện biện pháp nào để hỗ trợ cho NLĐ, DN được hiệu quả hơn?

- Các nội dung công việc vẫn đang được BHXH các tỉnh, thành phố tích cực triển khai. Ngoài việc thông báo đến các đơn vị thuộc diện được đóng 0% vào quỹ BH TNLĐ-BNN, cơ quan BHXH cũng rất chủ động, sẵn sàng giải quyết chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; giải quyết chính sách hỗ trợ người SDLĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo thẩm quyền; xác nhận danh sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ NLĐ chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người SDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Bên cạnh thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến các đơn vị SDLĐ, NLĐ gặp khó khăn doCOVID-19 về chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo, quy định thực hiện của Chính phủ. Một mặt, cơ quan BHXH phải tiếp tục đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi tối đa trong quy trình giải quyết hồ sơ; mặt khác phải truyền thông rộng rãi, chuyển tải các thông điệp tích cực để xóa bỏ tâm lý e ngại TTHC của NLĐ, DN, chủ động để được hưởng chính sách hỗ trợ. Có như vậy mới thực sự đưa chính sách hỗ trợ tới từng NLĐ, DN gặp khó khăn do COVID-19.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Tạp chí BHXH