Thực hiện bảo hiểm y tế - Đồng hành tới tương lai

30/08/2021 07:29 PM


Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội” là quan điểm nhất quán tiếp tục được Đảng ta khẳng định tại Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Người dân đăng ký khám bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh. Ảnh: TTXVN

Để gìn giữ được vốn quý đó, Đảng và Nhà nước ta cũng xác định thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một trong những giải pháp trọng tâm. Học sinh, sinh viên là tương lai của đất nước, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các em thông qua chính sách BHYT, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Từ nhận thức đó, trong những năm qua, chính sách BHYT đối với nhóm đối tượng đặc biệt này đã không ngừng được hoàn thiện, từ hình thức “tự nguyện” sang “có trách nhiệm” tham gia và đến nay là “bắt buộc” tham gia với sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc tổ chức thực hiện chính sách cũng có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) với các ngành Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế và các tổ chức chính trị - xã hội; sự hợp tác tích cực giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo với các bậc phụ huynh cũng như chính các em học sinh, sinh viên… Đây chính là cơ sở để số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT ngày càng gia tăng và trở thành một trong những nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia cao nhất trong cả nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2016, tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên trên cả nước đạt 92,5% (cao hơn tỷ lệ bao phủ dân số toàn quốc là 81,3%) thì đến năm 2017 đã tăng lên 93,5% và tiếp tục tăng lên 94,2% vào năm 2018; khoảng 95% vào năm 2019 và hiện đã có 18 triệu em tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 97% tổng số học sinh, sinh viên.

Đây là những con số hết sức có ý nghĩa, nhưng ý nghĩa hơn cả là những lợi ích thực tế mà chính sách này mang lại. Mỗi năm, từ nguồn quỹ thu được, cơ quan BHXH đã trích lại gần 1.000 tỷ đồng kinh phí để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên, quyền lợi riêng có của nhóm đối tượng này. Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có hơn tám triệu lượt học sinh, sinh viên được khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ BHYT, với tổng chi phí lên tới hơn 2.100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sự phát triển BHYT trong học sinh, sinh viên còn có một ý nghĩa đặc biệt khác, đó chính là tạo cho các em nhận thức rõ ràng, cụ thể hơn về lợi ích, trách nhiệm, tính cộng đồng chia sẻ khi tham gia BHYT. Đây chính là nền tảng để tạo nên sự bền vững của chính sách BHYT trong tương lai, khi các em rời ghế nhà trường, trở thành chủ nhân của đất nước. Nhận thức đúng đắn của các em cũng góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chính sách nhân văn và thiết thực này.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, việc thực hiện BHYT đối với học sinh, sinh viên có thể sẽ đối mặt với những khó khăn mới. Tuy nhiên, chính những rủi ro về sức khỏe ngày càng khó lường càng đòi hỏi chúng ta tiếp tục quan tâm và quyết tâm cao hơn để lấp đầy “khoảng trống” còn lại, để tất cả học sinh, sinh viên được chăm sóc sức khỏe qua chính sách BHYT, giúp các em thêm vững bước tới tương lai

Báo Nhân dân