Chính sách BHYT: Góp phần giáo dục toàn diện cho HSSV
05/09/2021 08:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em, HSSV phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần là một trong những mục tiêu giáo dục đào tạo con người của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách BHYT đối với HSSV đã chứng minh tính ưu việt vượt trội trong những năm qua. Trước thềm năm học mới, phóng viên Tạp chí BHXH đã có cuộc trao đổi với TS.Ngô Thị Minh-Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
* PV: Thưa Thứ trưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ GD-ĐT, số HSSV tham gia BHYT tăng nhanh qua từng năm và luôn nằm trong nhóm có tỷ lệ tham gia cao. Bà đánh giá thế nào về công tác phối hợp giữa ngành GD-ĐT và BHXH Việt Nam trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện chính sách này?
- Thứ trưởng Ngô Thị Minh:
Như chúng ta đã biết, do có sự ưu việt, thiết thực về quyền lợi, giàu tính nhân văn nên BHYT HSSV đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ. Chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của các bộ, ngành, chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách BHYT HSSV.
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020” đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo về phát triển BHYT HSSV. Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2013 cũng yêu cầu tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với nhóm HSSV thông qua một loạt các giải pháp. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/1/2015) quy định nhiệm vụ phát triển BHYT HSSV cụ thể cho cả ngành GD-ĐT, chính quyền các cấp... Tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV.
Có thể nói, việc chăm sóc sức khỏe cho các em HSSV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Bộ GD-ĐT xác định công tác BHYT HSSV có vai trò quan trọng, góp phần phát triển một nền giáo dục toàn diện. Vì vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo thường xuyên, kế hoạch liên ngành, đã được Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ, kịp thời, thể hiện sự nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện BHYT HSSV.
Theo đó, với sự chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT và BHXH Việt Nam, công tác tuyên truyền BHYT HSSV được các cơ sở giáo dục quan tâm và triển khai hiệu quả. Hằng năm, Bộ GD-ĐT phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục về công tác BHYT HSSV, đối thoại về chính sách BHYT HSSV. Qua đó đã kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai BHYT HSSV. Công tác tuyên truyền các nội dung trong Luật BHYT và các chính sách của BHYT HSSV được ngành Giáo dục tập trung chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bậc phụ huynh, HSSV. Việc tổ chức tuyên truyền đã được các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, thông qua các buổi họp phụ huynh, các cuộc tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa để phổ biến mức đóng, mức được hỗ trợ, trách nhiệm và phương thức tham gia BHYT.
Đồng thời, thực hiện giao chỉ tiêu tham gia BHYT HSSV đối với từng cơ sở giáo dục; đưa chỉ tiêu tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng cũng như để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác BHYT HSSV, kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT HSSV.
Đặc biệt, vừa qua, khi BHXH Việt Nam cho ra mắt ứng dụng “VssID- BHXH số”, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT phối hợp cùng BHXH các tỉnh, thành phố, hướng dẫn đăng ký cài đặt ứng dụng VssID cho các em HSSV. Nhiều trường học trong cả nước đang triển khai đăng ký tài khoản VssID. Qua ứng dụng này, các bậc phụ huynh có thể nắm được quá trình đóng- hưởng, quyền lợi, hạn sử dụng thẻ BHYT cũng như sử dụng hình ảnh thẻ BHYT khi các em đi KCB.
Với sự hỗ trợ từ Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự nỗ lực trong công tác truyền thông, vận động của ngành GD-ĐT, BHXH và hệ thống các cơ sở giáo dục, số lượng HSSV tham gia BHYT từng năm đã có sự gia tăng. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đã phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Năm học 2020-2021, cả nước đã có khoảng 18 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 97%.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 8 triệu lượt HSSV được KCB BHYT, với tổng chi phí lên tới hơn 2.100 tỷ đồng... Điều đó đã khẳng định vị trí, vai trò của BHYT HSSV trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe các em.
* Có thể thấy, việc triển khai BHYT HSSV đã đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 3% HSSV chưa được chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT; ý thức chấp hành pháp luật BHYT của một bộ phận HSSV chưa cao. Theo Thứ trưởng đâu là những vấn đề còn khó khăn, tồn tại trong thực hiện BHYT HSSV?
- Phải khẳng định rằng, với tỷ lệ 97% HSSV tham gia BHYT, chúng ta đã đạt được con số cơ bản. Chủ trương phát triển BHYT HSSV là nhất quán, tuy nhiên, trong các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về BHYT HSSV hiện vẫn có không ít vướng mắc cần phải được tháo gỡ.
Mặc dù đã có quy định "bắt buộc" tham gia BHYT nhưng vẫn còn số ít phụ huynh, các em HSSV chưa nắm rõ được quy định này, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV tham gia BHYT dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương, nhất là nhóm đối tượng SV, đặc biệt là SV từ năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT chưa cao (chỉ đạt tỷ lệ khoảng 80% đến 85%). Với tâm lý chủ quan về sức khỏe ở độ tuổi này, nhiều em chưa nhận thức được việc tham gia BHYT rất cần thiết cho chính mình và cộng đồng, không thực hiện nguyên lý bảo hiểm khi có sức khỏe để thụ hưởng khi ốm đau, bệnh tật...
Ngoài ra, hệ thống y tế học đường ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay cả nước có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhưng có đến 25,1% cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học; 70% cơ sở giáo dục trong nhóm đã có cán bộ y tế trường học nhưng trình độ chuyên môn lại chưa bảo đảm quy định là có trình độ từ Trung cấp Y trở lên.
Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, nhân viên y tế trường học phải có chứng chỉ hành nghề KCB theo quy định. Đối với khoảng trống này, ngành Giáo dục phối hợp với ngành Y tế và cơ quan BHXH đã có đề xuất với cấp thẩm quyền để hướng dẫn cơ sở giáo dục được ký hợp đồng với trung tâm y tế, các trạm y tế. Mục tiêu là để HSSV được thụ hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe tại nhà trường tốt nhất.
Nhằm nâng cao nhận thức về BHYT, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thường xuyên ngành Giáo dục các địa phương, cơ sở giáo dục ĐH, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Theo đó, cần xác định rõ vai trò trách nhiệm của Ban Giám hiệu, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, nhân viên y tế trường học trong việc tổ chức thực hiện công tác y tế học đường đối với HSSV, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.
Hiện nay các trường phổ thông và ĐH đang tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, nhắc nhở HSSV tham gia BHYT. Bộ GD-ĐT sẽ theo dõi sát sao và có những chỉ đạo kịp thời, nhằm hỗ trợ HSSV thực hiện Luật BHYT một cách tự nguyện, tự giác, trong khuôn khổ bắt buộc của pháp luật.
* Để tạo điều kiện để chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho thế hệ tương lai của đất nước, vì một nền giáo dục toàn diện, trong năm học mới này, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp gì để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, thưa Thứ trưởng?
- Năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT và toàn xã hội đứng trước những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Dự kiến, năm học mới này còn nhiều khó khăn nên hình thức, phương thức giảng dạy, học tập sẽ có những thay đổi linh hoạt cho phù hợp. Vì vậy, hình thức, phương thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV càng cần được tiếp tục triển khai quyết liệt và triệt để, phấn đấu đạt mục tiêu 100% HSSV được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thông qua BHYT trong bối cảnh có nhiều rủi ro và tổn thương về sức khỏe, thể chất ngày càng khó lường...
Chính vì vậy, trước thềm năm học mới 2021-2022, với quyết tâm đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT, các cấp học, trường ĐH, CĐ sư phạm trên toàn quốc tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, các cơ sở giáo dục tích cực triển khai công tác BHYT HSSV; đưa kết quả thực hiện BHYT HSSV vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các Sở GD-ĐT.
Thứ hai, tích cực tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức tới HSSV và cha mẹ các em về quyền lợi, trách nhiệm, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách, pháp luật về BHYT đối với việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV.
Thứ ba, phối hợp cơ quan BHXH tổ chức sơ kết trực tuyến, đánh giá kết quả thực hiện công tác BHYT HSSV; kịp thời khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT HSSV.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BHYT HSSV tại các nhà trường; có hình thức xử lý kịp thời đối với trường hợp không tuân thủ quy định về BHYT.
Thứ năm, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác BHYT cho HSSV; tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học, gắn với y tế cơ sở.
Thứ sáu, hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ BHYT cho công tác CSSKBĐ tại các cơ sở GD-ĐT theo đúng quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn các biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Thứ bẩy, tham mưu UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương, trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành; chú trọng vùng khó khăn, vùng DTTS, biên giới và hải đảo.
Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Công tác triển khai BHYT HSSV trong năm học 2021-2022, dự báo sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục chung tay cùng với ngành BHXH Việt Nam để hoàn thành bao phủ đến 100% HSSV, vì một thế hệ tương lai của đất nước được chăm sóc, bảo vệ và thụ hưởng một nền giáo dục toàn diện.
* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số