Ngành BHXH Việt Nam: Lường trước khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ
12/09/2021 09:37 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Triển khai Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ DN và NLĐ, ngành BHXH Việt Nam đã đạt nhiều kết quả và được Chính phủ, Quốc hội cũng như nhiều bộ, ngành, địa phương đánh giá cao. Tuy nhiên, Ngành cũng đối mặt với không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Phóng viên Tạp chí BHXH đã phỏng vấn ông Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội về vấn đề này.
- Ông Bùi Sỹ Lợi:
Phải nói rằng, đại dịch COVID-19 với những diễn biến đặc biệt phức tạp không chỉ ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội mà còn tác động trực tiếp đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong cả nước. Đến nay, dịch đã lây lan ra hầu hết các địa phương trong cả nước. Song đáng mừng là, trong 7 tháng đầu năm, toàn ngành BHXH Việt Nam đã phát triển được 16 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,08% lực lượng lao động; hơn 85 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 87,17% dân số...
Tôi đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực của toàn thể CCVC ngành BHXH Việt Nam khi quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu, thu nợ, phát triển người tham gia. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã duy trì được hội nghị trực tuyến về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương. Đồng thời, BHXH các cấp cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT; rà soát, phân loại các nhóm đối tượng chưa tham gia để tập trung khai thác, vận động những người có khả năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…
Qua theo dõi tại các địa phương cho thấy, chính sách BH thất nghiệp đã thực sự trở thành “điểm tựa” giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận NLĐ thất nghiệp cũng như gia đình họ và góp phần ổn định kinh tế- xã hội đất nước. Đơn cử, chỉ trong tháng 7/2021, BHXH các địa phương cùng ngành LĐ-TB&XH đã giải quyết cho trên 80.000 người hưởng BH thất nghiệp…
* Sau 2 tháng triển khai Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhất là việc thực hiện các chính sách liên quan đến ngành BHXH Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về kết quả này?
- Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, đã có 100% tỉnh, thành phố ban hành và triển khai kế hoạch đến các nhóm đối tượng thụ hưởng. Đáng chú ý, nhóm chính sách về BHXH đã được ngành BHXH Việt Nam triển khai rất quyết liệt và đạt hiệu quả cao nhất, được Ủy ban Xã hội và các bộ, ngành ghi nhận và đánh giá cao.
Tiếp nhận hồ sơ TTHC tại BHXH TP.HCM
Báo cáo của Ủy ban Xã hội cho thấy, chỉ sau một ngày Thủ tướng ban hành Quyết định số 23, BHXH Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể quy trình, phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, bộ phận trong việc thực hiện các chính sách này. Đồng thời, tổ chức cuộc họp trực tuyến chỉ đạo, quán triệt các đơn vị trong toàn Ngành khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay. BHXH các tỉnh, thành phố cũng phân công CCVC chủ động liên hệ với các DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để đôn đốc, hướng dẫn đơn vị lập hồ sơ; không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định, không để hồ sơ quá hạn; đảm bảo khi nhận được hồ sơ đầy đủ thì thực hiện giải quyết trong thời gian không quá một ngày làm việc…
Cùng với đó, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 282 đơn vị SDLĐ với 46.655 NLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 325,5 tỷ đồng (tại 38 tỉnh, thành phố). Đồng thời, xác nhận danh sách cho 356.446 NLĐ của 19.112 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó gồm: 245.412 NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương của 17.591 đơn vị SDLĐ; 21.678 NLĐ ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 777 đơn vị SDLĐ; 895 NLĐ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 5 đơn vị SDLĐ; 39.197 NLĐ ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để vay vốn trả lương ngừng việc của 449 đơn vị SDLĐ; 32.806 NLĐ được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người SDLĐ phải tạm dừng hoạt động) của 148 đơn vị; 16.458 NLĐ được người SDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người SDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 142 đơn vị.
* Dịch bệnh có thể còn kéo dài, song nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam không thể trì hoãn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vậy theo ông, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao, BHXH Việt Nam cần phải thực hiện những giải pháp gì?
- Thời điểm hiện nay, dịch bệnh COVID-19 sẽ tác động trực tiếp đến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tác động tiêu cực có thể nhìn thấy rõ là hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều DN dừng hoạt động nên nhiều NLĐ cũng phải nghỉ việc… ảnh hưởng đến số người tham gia BHXH, BHYT trên cả nước.
Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, ngành BHXH Việt Nam cần phải xác định quan điểm “sống chung” với dịch bệnh; kiên định các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra; lường trước những khó khăn, thường xuyên rà soát, thống kê tình hình, từ đó kịp thời báo cáo, tham mưu, xây dựng các giải pháp ứng phó hiệu quả, tránh bị động. Đồng thời, các giải pháp cũng phải hết sức cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các yếu tố đặc thù, đi vào từng nhóm đối tượng, DN để đưa ra biện pháp tăng cường công tác thu, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT một cách thiết thực và hiệu quả.
Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam cũng cần thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia; nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch. Cần phải xây dựng kế hoạch theo lộ trình, với các mục tiêu cụ thể ở từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tương ứng với từng vùng miền, địa phương, chi tiết tới từng địa bàn tỉnh, huyện, xã. Trên cơ sở đó, xác định các nhóm dễ tiếp cận làm trước, còn với các nhóm khó cần truyền thông thì sẽ tiếp cận dần dần.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số