Giá dịch vụ KCB cần đảm bảo đủ các yếu tố cấu thành

03/01/2023 09:10 PM


Thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đa số ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Dự án Luật. Đồng thời, cũng khẳng định giá dịch vụ KCB trong Luật cần đảm bảo đủ các yếu tố cấu thành.

Thống nhất với các nội dung dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐB Đỗ Thị Lan- Quảng Ninh nhấn mạnh, những chủ trương lớn liên quan đến KCB và những vấn đề liên quan đến tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở KCB để nâng cao chất lượng KCB cho người dân đã được tiếp thu trong Dự thảo luật. Một số vấn đề mới, những quy định mới trong dự thảo luật như quy định về đánh giá chất lượng của các cơ sở KCB tại Điều 57, 58 hay quy định về giá tính đúng, tính đủ các chi phí trong KCB đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các DBQH và quy định tương đối đầy đủ. Đây là những vấn đề mới trong tính giá KCB cho người dân, quy định rõ hơn về tự chủ các đơn vị tự chủ, quy định đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong các cơ sở KCB, quy định cấp cứu ngoại viện. “Đây là một dự thảo luật liên quan đến toàn thể người dân và cũng liên quan đến rất nhiều luật khác và cũng đã có những chủ trương, Nghị quyết của Trung ương định hướng tương đối rõ và đồng thời cũng có những chỉ đạo rất cụ thể của TVQH, của Chủ tịch Quốc hội, của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, các cơ quan có liên quan”- ĐB Lan cho biết.

Còn ĐB Nguyễn Lân Hiếu- Bình Định cho rằng, qua theo dõi thảo luận cho thấy, còn 2 vấn đề đó là giá dịch vụ KCB và tự chủ BV. Do đó, cần phân 2 luồng giá viện phí. Một là giá được BHYT chi trả- giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả. Đây là một vấn đề rất là quan trọng, Luật cần phải nêu rõ bởi việc này chính là bảo đảm ASXH cho người dân ở mọi đối tượng và BHYT có vai trò bảo đảm an sinh. Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ BHYT tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong KCB; luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình…

Đồng tình với nguyên tắc giá dịch vụ tính đúng, tính đủ chi phí KCB, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, cơ sở KCB và người bệnh, song ĐB Hoàng Văn Cường- Hà Nội cho rằng, các nội cụ thể của dự thảo luật lại chưa cụ thể hóa các nguyên tắc vừa nêu. Cụ thể, về tự chủ, dự thảo quy định các đơn vị tự chủ được chi thường xuyên, chi đầu tư, được quyền xác định giá, tự chủ về tổ chức, lao động nhưng khi đọc kỹ dự thảo cho thấy các quyền này gần như không được thực hiện. Để tự chủ, điều quan trọng nhất là bệnh viện hay cơ sở KCB phải có đủ khả năng tự quyết định những vấn đề KCB. Như vậy năng lực về tự chủ hay năng lực về quyết định những vấn đề của bệnh viện phải là điều kiện tiên quyết cho việc quyết định đơn vị đó có tự chủ hay không.

Về giá dịch vụ KCB, ĐB Hoàng Văn Cường cho biết, hiện nay đang quy định BV tự chủ cao nhất được quyền xác định giá dịch vụ KCB trong phạm vi khung giá hay mức giá cao nhất của Bộ Y tế quy định. Quy định như vậy có 2 điều mâu thuẫn. Thứ nhất vô hình chung tất cả những dịch vụ y tế của bệnh viện tự chủ đều được xác định một mức giá cao hơn giá do nhà nước quy định bởi được tự chủ quyết định không vượt quá khung. Như vậy vô hình chung đã loại bỏ cơ hội cho những người thu nhập thấp không thể nào tiếp cận được những bệnh viện tự chủ. “Mâu thuẫn thứ hai, giá dịch vụ cao nhưng không vượt quá khung của nhà nước quy định, sẽ có một số dịch vụ cần sử dụng những biện pháp kỹ thuật cao, cần phải có chi phí nhiều hơn sẽ không thực hiện được. Như vậy, người dân có khả năng chi trả, muốn được sử dụng các dịch vụ cao hơn hẳn cũng không đáp ứng được và phải sang khu vực bệnh viện tư nhân”- ĐB Cường nêu.

Giải trình một số vấn đề các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, đây là dự án Luật khó, liên quan đến vấn đề chuyên môn sâu, đối tượng tác động rộng, ảnh hưởng căn cốt lợi ích mỗi người dân, chịu sự ràng buộc của nhiều dự án Luật khác. Cơ quan soạn thảo đã quán triệt nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm, tiếp thu đầy đủ trên tinh thần cầu thị ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự án Luật đạt chất lượng cao nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Liên quan đến nội dung về tự chủ trong cơ sở y tế công lập, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật quy định chung một số vấn đề mang tính nguyên tắc để có định hướng triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các cơ sở y tế. Với tầm nhìn lâu dài, Chính phủ sẽ xem xét trình Quốc hội luật riêng về việc thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế… qua đó sẽ đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng, giải quyết các tồn tại, hạn chế đã tồn tại nhiều năm trong vấn đề này ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Về giá dịch vụ KCB, Bộ trưởng cũng nêu rõ, việc thông qua dự án Luật trong Kỳ họp này là rất quan trọng đối với ngành y tế, để khắc phục những khó khăn, bất cập từ Luật hiện hành, giúp Chính phủ có đủ thời gian tham khảo ý kiến của các bên liên quan, xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung Quốc hội đã thông qua; tạo tiền đề xây dựng các Luật khác liên quan đến phòng bệnh, BHYT, cấy ghép mô…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá cao cơ quan trình, cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý. Tuy nhiên, đây là dự án luật có tác động đến nhiều đối tượng, nhiều chính sách và tính chuyên môn cụ thể. Vì vậy, phiên thảo luận tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các vị ĐBQH góp ý về những vấn đề chung cũng như những vấn đề cụ thể xuất phát từ thực tiễn. Chính vì vậy, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban TVQH sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và xin lý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.

Tạp chí BHXH