Tham gia BHXH - vì cuộc sống chất lượng hơn

22/05/2023 09:20 AM


Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là những chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Trong đó, việc tham gia BHXH sẽ giúp người lao động có lương hưu khi về già, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, hạn chế những gánh nặng cho xã hội.

BHXH tự nguyện - giảm gánh nặng tương lai

Những năm gần đây, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đời sống, kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn; tuy nhiên, việc phát triển người tham gia BHXH và BHYT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là sự thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân, người lao động trong việc tham gia BHYT và BHXH tự nguyện để tự bảo vệ bản thân mình trong tương lai.

Để ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, giúp tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động.

Ông Y Phương Niê Kđăm (Huyện Ea Hleo) - Đóng 1 lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu

Trước đây ông Y Phương Niê Kđăm, sinh năm 1958 người dân xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo từng là cán bộ làm việc tại xã Dlie Yang và được đóng BHXH từ tháng 10/1986 đến 03/1999, được 12 năm 6 tháng, vì hoàn cảnh, ông Y Phương không tiếp tục công tác và tạm dừng đóng BHXH. Với mong muốn được nhận lương hưu khi về già, ông đã dành dụm những khoản thu nhập hàng năm đóng thêm gần 44 triệu đồng cho 7 năm 6 tháng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng các chính sách của BHXH khi về hưu.

“Giờ hoàn cảnh gia đình cũng tương đối nên tôi đã cố gắng tham gia thêm BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, có đồng ra đồng vào. Nếu mai này mất đi thì có mai táng phí nên cũng được lợi. Ngoài ra khi hưởng lương hưu, tôi còn được cấp thẻ BHYT miễn phí”, ông Y Phương Niê Kđăm chia sẻ.

Anh Phan Thành Nhân (xã Ea Na, huyện Krông Ana) đã tham gia BHXH tự nguyện hơn 2 năm nay với mức đóng 1,5 triệu đồng/tháng. Bản thân là lao động tự do, lại còn trẻ nên vẫn còn làm được việc để có tiền chi tiêu, vì vậy sau khi nghe cán bộ BHXH huyện tư vấn, anh Nhân đã quyết định đóng BHXH tự nguyện để giảm bớt gánh nặng khi về già và đó cũng là một hình thức mà anh có thể tích lũy bảo đảm cuộc sống sau này. "Số tiền này phù hợp với khả năng tài chính của gia đình nên tôi sẽ tiếp tục tham gia đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Thời gian tới đây, nếu kinh tế ổn định, tôi sẽ tham gia với mức cao hơn để được hưởng lương hưu nhiều hơn, anh Nhân chia sẻ.

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người dân

BHXH bắt buộc - điểm tựa cho người lao động

Có thể thấy, hiện nay, cơ chế, chính sách, pháp luật về BHXH ngày càng hoàn thiện, đồng bộ theo hướng gia tăng quyền, lợi ích của người tham gia, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân trước những biến cố, rủi ro, giúp bảo đảm an sinh xã hội. Luật BHXH đang tiếp tục được sửa đổi theo hướng mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người dân tham gia BHXH. Hiện nay, chính sách BHXH được thực hiện với hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, chính sách BHXH bắt buộc có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với người lao động mà còn cả với doanh nghiệp. Tham gia BHXH giúp người lao động yên tâm khi làm việc bởi người lao động sẽ được thụ hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Với doanh nghiệp, việc người lao động được tham gia BHXH, BHYT đầy đủ sẽ có thêm động lực giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh mà không phải lo lắng về nguồn lao động. Và được tham gia BHXH, BHYT cũng là một quyền lợi quan trọng để thu hút được người lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Đơn cử như tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành - huyện Ea Hleo có 400 lao động đều được tham gia BHXH theo quy định. “Nhờ được đơn vị tham gia đầy đủ các loại BHXH nên mỗi lần nghỉ thai sản, hay không may bị ốm đau, bệnh tật đều được nghỉ chế độ. Đặc biệt, trọng đợt dịch Covid, nhờ doanh nghiệp đóng đầy đủ BHXH nên chúng tôi đều được hưởng các khoản tiền hỗ trợ theo quy định” - Chị Trương Thị Thùy Phương, công nhân Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.

Có thể nói, trong 05 chế độ thuộc BHXH bắt buộc thì chế độ hưu trí đang được thiết kế rất có lợi cho người lao động. Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống.

Ông Ông Ksơr Y Nai, cán bộ nghỉ hưu ở Buôn Sek, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo chia sé: “Bản thân tôi đã nhận lương hưu được 13 năm rồi, cuộc sống cũng không còn phải lo lắng gì, lương hưu đáp ứng được chi tiêu trong cuộc sống của gia đình. Tuổi già có lương hưu là có cuộc sống bảo đảm. Có thu nhập hàng tháng, mình không phải trăn trở, lo lắng về tuổi già, sức khỏe yếu và không phụ thuộc nhiều vào con cháu. Mỗi lần trong buôn có hoạt động gì thì tôi cũng hay động viên bà con tham gia BHXH để sau này về già an tâm” .

Người lao động được tham gia BHXH, BHYT đầy đủ sẽ có thêm động lực giúp doanh nghiệp phát triển

Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, công tác tổ chức, triển khai chính sách, pháp luật về BHXH trên địa bàn tỉnh những năm qua đã thu được những kết quả quan trọng. Chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống, thể hiện rõ nét với tỷ lệ người dân tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh tăng qua các năm. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như nhận thức của người dân về chính sách BHXH ngày càng được nâng lên. Đến hết tháng 4//2023, trên địa bàn tỉnh có 125.330 người tham gia BHXH. Trong đó BHXH tự nguyện là 17.674 người; BHXH bắt buộc là 107.656 người.

Ông Nguyễn Khắc Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Thời gian qua, ngành BHXH tỉnh đã thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi cho người tham gia; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ; thường xuyên chủ động bám sát, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát huy hiệu quả tích cực trong các lĩnh vực công tác của ngành… để hoàn thành tốt nhiệm vụ; góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng luôn cố gắng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của người dân khi tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH để từ đó tạo được niềm tin cho cơ sở, đặc biệt là với người dân.

Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, BHXH tỉnh Đắk Lắk không ngừng nỗ lực nhằm đảm bảo quyền lợi đầy đủ, kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách - Ông Tuấn nhấn mạnh/.

Phạm Loan