Ngành BHXH Việt Nam: Ứng dụng CNTT trong thanh tra, kiểm tra phát huy hiệu quả

06/06/2023 09:05 AM


Việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi phương pháp thanh tra, kiểm tra được ngành BHXH Việt Nam chủ động thực hiện, mang lại hiệu quả cao.

Theo BHXH Việt Nam, với nguồn dữ liệu lớn, quản lý tập trung và có sự chính xác cao, cùng với hệ thống các phần mềm nghiệp vụ hoàn thiện, liên thông trong toàn Ngành, việc so sánh, đối chiếu số liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra đã được Ngành thực hiện bằng các giải pháp công nghệ, công cụ phần mềm CNTT.

Trên CSDL mà Ngành đang quản lý và thông tin, tài liệu đối tượng thanh tra, kiểm tra cung cấp, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã chủ động rà soát, phân tích; qua đó phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, nhằm khoanh vùng đối tượng, nội dung, phạm vi thanh tra, kiểm tra. Với số lượng đơn vị SDLĐ, người tham gia BHXH và người tham gia BHYT rất lớn mà Ngành đang quản lý, thì việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi phương pháp thanh tra, kiểm tra thực sự là giải pháp quan trọng, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả quản lý của Ngành.

Theo đó, với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống như trước đây, các đoàn thanh tra, kiểm tra phải chuẩn bị tài liệu, hồ sơ, biểu mẫu và trực tiếp tiến hành làm việc với đối tượng thanh tra, kiểm tra để đối chiếu, so sánh thông tin số liệu bằng phương pháp thủ công trên sổ sách, tài liệu giấy với số lượng rất lớn.

Cụ thể, theo số liệu năm 2022, trên toàn quốc có hơn 14 triệu người tham gia BHXH (bình quân hơn 222 ngàn người/tỉnh) và hơn 130 triệu lượt KCB BHYT (bình quân 2 triệu lượt khám/tỉnh). Khi ứng dụng CNTT, các đơn vị có được công cụ để chủ động rà soát, phân tích dữ liệu trước khi làm việc trực tiếp với đối tượng được thanh tra, kiểm tra; cũng như giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra đánh giá, khoanh vùng, lựa chọn mẫu cần kiểm tra thực tế, giảm rất lớn lượng hồ sơ, giấy tờ, tài liệu cần đối chiếu, tiết kiệm thời gian, nhân lực, vật lực cho cả các đoàn thanh tra, kiểm tra và đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT còn giúp nâng cao khả năng phát hiện, nhận diện dấu hiệu sai sót, vi phạm một cách toàn diện; từ đó giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả thanh tra, kiểm tra. Với khả năng rà soát, phân tích dữ liệu lớn, việc ứng dụng CNTT đã giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra kiểm tra được 100% hồ sơ nghiệp vụ (kể cả đối với các DN có hàng ngàn NLĐ hoặc cơ sở KCB có hàng triệu lượt KCB BHYT).

Phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống trước đây chỉ kiểm tra xác suất được một số hồ sơ nhất định do bị giới hạn về thời gian. Còn với việc ứng dụng CNTT, đã giúp phân tích dữ liệu và phát hiện nhiều sai sót, vi phạm mà trước đây rất khó phát hiện hoặc không thể phát hiện bằng phương pháp truyền thống như: Dùng thẻ BHYT cùng lúc khám bệnh ngoại trú ở nhiều cơ sở KCB; sử dụng một thẻ BHYT thanh toán chi phí KCB với tần suất lớn (có trường hợp thanh toán đến 27 lần/tháng); thanh toán BHYT sau khi người có thẻ đã chết; cơ sở KCB thu trùng của người bệnh BHYT khoản chi phí đã được cơ quan BHXH thanh toán; nhân viên y tế hành nghề trùng thời gian tại nhiều cơ sở KCB.

Đặc biệt, ứng dụng CNTT còn hỗ trợ rất lớn trong việc phát hiện kẽ hở trong quản lý hoặc các hạn chế trong thực hiện quy trình nghiệp vụ của cơ quan BHXH, từ đó kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi kịp thời. Đồng thời, giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra tăng năng suất làm việc, nâng cao chất lượng, kết quả thanh tra, kiểm tra, nhưng lại rút ngắn đáng kể thời gian thanh tra, kiểm tra, đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được thanh tra, kiểm tra.

Qua thống kê của BHXH Việt Nam, việc ứng dụng CNTT và áp dụng linh hoạt cách thức tổ chức tiến hành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đã giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị nhưng vẫn đem lại hiệu quả; cũng như kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Cụ thể, với phương pháp làm việc truyền thống thủ công như trước đây, thời lượng thực hiện thanh tra, kiểm tra trực tiếp trung bình tại 1 đơn vị SDLĐ là 20 giờ (tương đương 2,5 ngày làm việc); trong khi việc ứng dụng CNTT đã giảm thời lượng làm việc trực tiếp trung bình tại 1 đơn vị còn 10,5 giờ (tương đương hơn 1 ngày làm việc) và giảm tổng thời lượng làm việc của đoàn thanh tra, kiểm tra trung bình cho 1 đơn vị còn 16 giờ (tương đương 2 ngày làm việc).

Tạp chí BHXH