Một số kết quả chủ yếu sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

27/09/2023 09:53 AM


Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH)”(Nghị quyết số 28-NQ/TW) tại tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong kết quả hoạt động, đặc biệt thể hiện qua tỷ lệ người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng qua từng năm.

Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống Nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 21/8/2018 về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan, nhất là ngành BHXH tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. UBND các huyện, thành, thị thành lập Ban Chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; đưa nhiệm vụ phát triển BHXH, BHYT là một trong những chỉ tiêu pháp lệnh để chỉ đạo thực hiện.
Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nói trên đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về chính sách BHXH, BHTN, BHXH tự nguyện. Người dân đã xem các nội dung cải cách về BHXH, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện là cơ hội để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Số người tìm hiểu, chuyển trạng thái từ không quan tâm sang quan tâm về BHXH tự nguyện ngày càng tăng; số người quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân và những người thân trong gia đình cũng có sự chuyển biến tích cực với đa dạng các thành phần, lứa tuổi, điều kiện và hoàn cảnh kinh tế.

BHXH tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại các buôn trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột

Kết quả thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết

Sau 05 năm triển khai thực hiện, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; theo dõi kịp thời tăng, giảm số người tham gia BHXH, BHYT của tỉnh để vận động, mở rộng đối tượng…, các chỉ tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW trên địa bàn tỉnh cơ bản có những chuyển biến mạnh mẽ, cụ thể như sau:

Về lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, BHTN: Năm 2018: số người tham gia BHXH là 106.486 người, chiếm 11,42% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 0,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN là 89.672 người, chiếm 9,62% lực lượng lao động trong độ tuổi. Dự kiến năm 2023: số người tham gia BHXH là 153.921 người, chiếm 15,86% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 3,39% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN là 104.528 người, chiếm 10,77% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Về tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội: Năm 2018: tổng số người hưởng là 63.596 người (lương hưu: 34.011 người; trợ cấp BHXH hằng tháng: 7.923 người; trợ cấp cho người cao tuổi: 21.662 người), đạt khoảng 31% số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Dự kiến năm 2023: tổng số người hưởng là 72.046 người (lương hưu: 40.441 người; trợ cấp BHXH hằng tháng: 8.205 người; trợ cấp cho người cao tuổi: 23.400 người), đạt khoảng 33,7% số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

Về cải cách hành chính: Hiện tại cơ quan BHXH tỉnh đang thực hiện tương đối tốt công tác cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải quyết quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia. Trong năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3844/QĐ-UBND về việc phê duyệt và công bố Chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, BHXH tỉnh được đánh giá là đơn vị đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh khối sở, ban, ngành của tỉnh.

Về ứng dụng công nghệ thông tin: Ngành BHXH đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Nhờ đó, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đã được rút ngắn, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân. Tính đến nay đã có 4.069/5.287 đơn vị (chiếm tỷ lệ 76,96%) tham gia thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; hàng tháng, tỷ lệ hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử trung bình đạt khoảng 70%/tổng số hồ sơ tiếp nhận. Tích cực phối hợp với Công an tỉnh, các đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT trên địa bàn để cập nhật số ĐDCN/CCCD của người tham gia BHYT vào cơ sở dữ liệu BHXH tỉnh đang quản lý phục vụ đồng bộ dữ liệu, triển khai KCB bằng CCCD. Tính đến ngày 31/12/2022, 100% cơ sở KCB đã trang bị đầu đọc để thực hiện tra cứu bằng CCCD; Tiếp tục triển khai, hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID cho các đơn vị sử dụng lao động và người dân, tính đến nay đã có 440.697 tài khoản được cài đặt, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.

Về nâng cao chất lương dịch vụ BHXH: Xác định quan điểm là “phục vu người dân và đơn vị, tổ chức”, những năm qua, cả hệ thống BHXH tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ quy trình nghiệp vụ, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân; nỗ lực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ; ra sức xây dựng hình ảnh người cán bộ BHXH “Thân thiện, nghĩa tình, tận tụy và trách nhiệm” gắn với phong trào mỗi công chức, viên chức, người lao động là một tuyên truyền viên BHXH, BHYT.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII), trong thời gian tới tỉnh Đắk Lắk xác định: Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác BHXH, BHTN, quy định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHXH tự nguyện, BHTN trên địa bàn tỉnh; Các ngành, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai thực hiện, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể; Phát huy vai trò nòng cốt của Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN các cấp trong tham mưu với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, để tổ chức thực hiện hoàn thành tốt chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra; Thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về BHXH, BHTN để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia, đáp ứng nhu cầu của người lao động và người dân về thụ hưởng chế độ của chính sách BHXH, BHTN; Tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, đảm bảo tính phong phú, đa dạng phù họp với từng nhóm đối tượng và điều kiện thực tế ở địa phương; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức thanh tra chuyên đề về tính tuân thủ pháp luật BHXH, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động./.

Huỳnh Kim Tưởng