Giữa đại dịch, càng thấy giá trị của lương hưu
09/10/2021 10:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương, nhất là tại một số tỉnh, thành phố phía Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Cuộc sống của NLĐ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những người cao tuổi…
Bà Nguyễn Thị Phiệt (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) năm nay đã 70 tuổi, thường xuyên bị huyết áp cao và bệnh xương khớp. Những ngày dịch dã phức tạp, địa phương phải thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, cuộc sống của nhiều gia đình gặp không ít khó khăn. Lúc này, bà Phiệt mới thấy thấm thía giá trị đồng lương hưu của mình. Theo bà Phiệt, lương hưu của bà mỗi tháng chỉ hơn 3,39 triệu đồng, đợt vừa rồi lại được nhận 2 tháng liền nên có đồng ra đồng vào phụ giúp cùng cả nhà chi tiêu.
Bà Nguyễn Thị Phiệt (bên trái) luôn hiểu rõ giá trị của lương hưu
Cách đó không xa, cũng ở phường Tân Hiệp, nhưng ông Trần Văn Hà (sinh năm 1960) cũng cảm nhận rõ giá trị của lương hưu trong những ngày dịch dã. Đứa con lớn đã lập gia đình, nhưng ông Hà vẫn phải lo cho 2 đứa nhỏ còn đang đi học. Bởi vậy, nhận một lúc 2 tháng lương hưu quả thật vô cùng thiết thực với gia đình ông Hà lúc này. Tương tự, ông Nguyễn Hồng Dũng cũng rất vui khi mới đây được nhận gộp 2 tháng lương hưu. Theo lời ông Dũng, ông về hưu sớm do suy giảm sức khỏe và được hưởng lương hưu từ tháng 1 năm nay với mức 1,7 triệu đồng/tháng. Gần 3 tháng nay, ông Dũng phải về quê chăm mẹ già 90 tuổi đang ốm nặng ở Nghệ An, còn vợ con vẫn ở lại Đồng Nai và gặp không ít khó khăn khi công việc bị gián đoạn do dịch COVID-19. “Cũng may, tôi có lương hưu nên có thể chủ động được tình hình lúc này; không giúp gì được cho vợ con ở nhà, nhưng ít nhất lúc này tôi cũng có khoản thu nhập để chăm lo mẹ già đang ốm”- ông Dũng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (phường Lạc Viên, Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) cũng chia sẻ niềm vui khi được nhận 3,9 triệu đồng lương hưu mỗi tháng và nhận gộp một lúc 2 tháng lương (tháng 9 và tháng 10/2021). Theo bà Nguyệt, cộng thêm khoản lương hưu của chồng, gia đình bà có khoảng 15 triệu đồng để lo chi tiêu các khoản, nhất là trong những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến công việc làm ăn của các con bấp bênh. “So với những người cao tuổi khác không có lương hưu, chỉ trông chờ vào con cháu hay trợ cấp nọ kia, chúng tôi may mắn hơn nhiều”- bà Nguyệt chia sẻ.
Để nhiều người có lương hưu
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tác động đến cuộc sống của nhiều người dân, trong đó có nhóm người cao tuổi. Sự khác biệt lúc này được thấy rõ giữa những người có lương hưu và những người không có lương hưu. Mặc dù lương hưu có thể cao, thấp khác nhau, nhưng với việc có nguồn thu nhập đều đặn hàng tháng, cuộc sống của những người hưởng lương hưu đều được bảo đảm ổn định, ngay cả khi đối mặt với những tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.
Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng qua những câu chuyện được chúng tôi ghi nhận, đã cho thấy giá trị thiết thực của lương hưu đối với cuộc sống của những người cao tuổi. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải người cao tuổi nào cũng được như bà Phiệt, ông Dũng hay vợ chồng bà Nguyệt… Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu ở Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Cả nước có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (55 tuổi trở lên đối với nữ, 60 tuổi trở lên đối với nam), trong đó chỉ có trên 3,1 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, chiếm 22,1% trên tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người), thì tổng cộng có gần 5 triệu người, chiếm khoảng 35% số người cao tuổi có khoản thu nhập/trợ cấp đều đặn hàng tháng. Như vậy, cho đến nay, cả nước vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, chiếm 65%, chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế- xã hội như hiện nay, chắc chắn đời sống của những người cao tuổi này gặp nhiều khó khăn. Thực tế này càng cho thấy vai trò quan trọng của việc phát triển số tham gia BHXH, bao gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, để tới đây ngày càng nhiều người có lương hưu khi về già.
Ông Điều Bá Được- nguyên Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng, thực tế này càng cho thấy nhu cầu phải mở rộng bao phủ BHXH một cách tích cực hơn. Theo ông Được, định hướng BHXH toàn dân đã được Đảng quán triệt, nhưng cần cơ chế, luật hóa để thúc đẩy tiến trình thực hiện nhanh hơn, bao phủ rộng hơn, nhất là với nhóm lao động phi chính thức- nhóm hiện đang chiếm đa số trong lực lượng lao động nước ta. Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, chúng ta cũng cần chú trọng hỗ trợ thêm mức đóng, giúp NLĐ có điều kiện tích lũy khoản “để dành” để đảm bảo an sinh cho tương lai.
Một điều rất rõ ràng, lương hưu là nguồn thu nhập có giá trị bảo đảm an sinh rất hiệu quả, bền vững với người cao tuổi. Từ thực tế ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho thấy, đã đến lúc chúng ta cần phải thúc đẩy thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện, để ngày càng có nhiều người khi về già có lương hưu- đây được coi là giải pháp đảm bảo an sinh bền vững và lâu dài.
Theo báo cáo đánh giá tác động COVID-19 với người cao tuổi ở Việt Nam do Tổ chức HelpAge International thực hiện, nguồn thu nhập lớn của người cao tuổi Việt Nam là hỗ trợ từ gia đình (32%). Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, 75% hộ gia đình bị giảm thu nhập và 31,8 triệu lao động (hơn một nửa lực lượng lao động) bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, ước tính sự hỗ trợ cho các thành viên lớn tuổi trong gia đình có giảm đi. Theo đánh giá, các hộ gia đình có thành viên lớn tuổi (70+) đang cần được chăm sóc y tế, có thể tạm thời rơi vào tình trạng nghèo vì COVID-19. Ngoài ra, hơn một nửa số người cao tuổi vẫn đang lao động để lo cho bản thân và gia đình. Ước tính, có 81,4% lao động lớn tuổi (60+) trong nền kinh tế phi chính thức, trong khi đó, nhóm lao động này phải chịu cảnh mất việc làm nhiều nhất và thiệt hại nặng về thu nhập do COVID-19.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số