Điều trị bệnh đái tháo đường: Cần đảm bảo khả năng chi trả của quỹ BHYT

07/11/2021 07:58 AM


Ngày 6/11, BHXH Việt Nam và ĐSQ Đan Mạch phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến “Quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường”. Hội thảo nhằm chia sẻ thực trạng chi BHYT cho chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ); đồng thời cập nhật hướng dẫn điều trị bệnh ĐTĐ típ 2 do Bộ Y tế mới ban hành trong thời gian gần đây; các cân nhắc điều trị khi chỉ định thuốc ĐTĐ và Insulin; các số liệu về gánh nặng của biến chứng ĐTĐ cũng như các đánh giá kinh tế y tế để lựa chọn can thiệp hiệu quả chi phí.

Gia tăng “chóng mặt” chi phí điều trị ĐTĐ

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, cùng sự tham dự của đại diện các đơn vị nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam, ĐSQ Đan Mạch, các chuyên gia y tế, kinh tế y tế và đại diện 10 BHXH địa phương. Đây là một phần trong các hoạt động tổ chức theo thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa ĐSQ Đan Mạch và BHXH Việt Nam trong lĩnh vực BHYT.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) nhấn mạnh: "Bệnh ĐTĐ là một trong những vấn đề cấp bách của y tế toàn cầu, có thể làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình". Theo báo cáo của WHO, tới năm 2025, số người mắc ĐTĐ sẽ lên đến 330 triệu người trên toàn thế giới. Đặc biệt, bệnh tiến triển âm thầm, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời, sẽ dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.

Cũng theo ông Phúc, hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ ở Việt Nam ước chiếm trên 4% dân số, và khoảng 10% dân số khác mắc tiền ĐTĐ. Thực trạng này vẫn đang gia tăng khiến Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ gia tăng nhanh bệnh lý này. Tuy số người được điều trị tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa được phát hiện và điều trị sớm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, mới chỉ có 28,9% người bệnh ĐTĐ được quản lý tại các cơ sở y tế. Với thực trạng này, công tác phát hiện, quản lý và điều trị ĐTĐ là cực kỳ quan trọng, nhằm tránh được biến chứng, giảm gánh nặng cho kinh tế đất nước và cho mỗi gia đình.

Bên cạnh đó, theo thống kê, hằng năm, quỹ BHYT đã chi hàng ngàn tỷ đồng để chẩn đoán và điều trị cho các trường hợp mắc bệnh ĐTĐ, và chi phí bệnh này tiếp tục gia tăng hàng năm. “Vấn đề đặt ra là nguồn lực chi cho y tế luôn có giới hạn, nguồn quỹ BHYT có giới hạn. Vì vậy, cần phải quản lý, theo dõi điều trị hợp lý, hiệu quả nhất bệnh ĐTĐ, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, giảm gánh nặng xã hội và đảm bảo khả năng chi trả của nguồn quỹ BHYT”- ông Lê Văn Phúc chia sẻ.

Với vai trò đối tác của BHXH Việt Nam, ông Mikkel Lyndrup- Tham tán Y tế (ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam) cho biết: Việt Nam là một trong 4 quốc gia mà Đan Mạch xác định là đối tác trọng điểm trong lĩnh vực y tế. Trong những năm gần đây, ĐSQ Đan Mạch đã hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam kiểm soát các bệnh không lây nhiễm và tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. “Thành công của chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu đạt được có một phần quan trọng là nhờ đổi mới trong lĩnh vực BHYT”- ông Mikkel Lyndrup nói. Do đó, theo ông Mikkel Lyndrup, Hội thảo là một bước tăng cường hợp tác chiến lược giữa Đan Mạch và BHXH Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động của thỏa thuận hợp tác lâu dài đã được ký kết giữa ĐSQ Đan Mạch với BHXH Việt Nam trong lĩnh vực BHYT...

Đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến

Thực tế cho thấy “đồ thị” bệnh ĐTĐ tại Việt Nam đang có những biến động mạnh theo từng năm, số bệnh nhân ĐTĐ có thẻ BHYT đã gia tăng trong 5 năm gần đây. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2017, Việt Nam có trên 1,395 triệu bệnh nhân ĐTĐ típ 2 có BHYT đang điều trị, con số này đã tăng lên 1,888 triệu vào năm 2018, lên 1,969 triệu năm 2019 và tăng lên 2,08 triệu năm 2020. Tương ứng với tổng chi phí chi trả cho ĐTĐ và biến chứng tại Việt Nam từ năm 2017 đến năm 2020 gia tăng nhanh chóng, với con số lần lượt là 10,12 tỷ đồng, 12,764 tỷ đồng, 16,265 tỷ đồng và 17,548 tỷ đồng. Đáng quan tâm nhất, có tới 77% tổng chi phí dành cho bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng (bệnh tim mạch, mạch máu não, hạ đường huyết, thần kinh, thận, biến chứng võng mạc...). Tính trung bình, chi phí điều trị cho bệnh nhân có biến chứng ĐTĐ tăng 2,4 lần so với bệnh nhân không có biến chứng.

Phân tích cụ thể hơn về thực trạng chi trả thuốc điều trị ĐTĐ từ quỹ BHYT, ThS.Nguyễn Thị Hồng Vân- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, có tới 17% tổng chi phí trên tiêu tốn vào thuốc ĐTĐ (thuốc uống và Insulin), 32% dành cho các thuốc khác. Cơ cấu này cao hơn hẳn cơ cấu chi phí KCB BHYT chung, khi tỷ trọng chi cho thuốc từ năm 2019 đến năm 2021 dao động trong mức 34,7-34,8%...

Ngăn biến chứng, giảm chi phí

Chỉ ra những vấn đề đáng lưu tâm trong thực trạng quản lý bệnh ĐTĐ tại Việt Nam, PGS-TS.Vũ Thị Thanh Huyền- BV Lão khoa Trung ương cho biết, bệnh nhân tại Việt Nam thường gặp một số rào cản kiểm soát ĐTĐ như: Tần suất kiểm tra đường huyết thấp, thiếu tuân thủ điều trị, phần lớn bệnh nhân có lối sống ít vận động... Do đó, phần lớn bệnh nhân ĐTĐ tại Việt Nam không đạt mục tiêu điều trị, khi 64% bệnh nhân ĐTĐ không đạt mức đường huyết HbA1c dưới 7%, và 40% bệnh nhân ĐTĐ có chỉ số này trên 8%.

“Giảm biến chứng không chỉ có ý nghĩa lâm sàng, mà còn có ý nghĩa kinh tế”- PGS.Vũ Thị Thanh Huyền nhấn mạnh. Thực tế, chi phí cho bệnh nhân ĐTĐ tăng lên 2,4 lần khi có biến chứng mạch máu nhỏ, tăng 2,5 lần có biến chứng mạch máu lớn và tăng lên 4 lần khi có biến chứng cả mạch máu nhỏ và mạch máu lớn. “Chi phí thuốc điều trị ĐTĐ là rất nhỏ so với điều trị biến chứng. Do đó, các nhà quản lý, xây dựng chính sách nên cân nhắc xem xét đầu tư nguồn lực nhiều hơn vào kiểm soát, phòng tránh bệnh ĐTĐ không tiến triển nặng, vừa tiết kiệm nguồn lực, đồng thời đảm bảo chất lượng cuộc sống người bệnh”- PGS.Vũ Thị Thanh Huyền khuyến nghị.

Biểu đồ chi phí điều trị bệnh ĐTĐ

Chuyên gia này cũng chia sẻ thêm, ĐTĐ là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật thứ 3 tại Việt Nam. Để đảm bảo vừa cân đối nguồn lực, vừa đạt hiệu quả điều trị, các bác sĩ cần cân nhắc khi lựa chọn thuốc ĐTĐ chỉ định cho bệnh nhân (giá thuốc, tính sẵn có, sự dung nạp và khả năng chi trả của bệnh nhân); đồng thời nên xây dựng phác đồ dễ nhớ, dễ thực hiện và khả năng tuân thủ điều trị của người bệnh.

Đồng quan điểm, TS-BS.Trần Minh Triết- BV Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ: Bệnh nhân ĐTĐ cần kiểm soát đường huyết tích cực, ở giai đoạn sớm để mang lại hiệu quả lâu dài. Có thể cân nhắc khởi trị Insulin sớm nếu bệnh nhân vẫn chưa đạt mục tiêu điều trị. TS.Trần Minh Triết cũng đề xuất việc cân nhắc lựa chọn các loại Insulin trong từng trường hợp cụ thể theo mục tiêu điều trị và điều kiện kinh tế, bởi tác dụng và mức giá thành khác nhau. Các loại Insulin Analogue có ưu thế hơn Insulin người trong việc kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ hạ đường huyết. Để sử dụng Insulin có hiệu quả, cần tư vấn toàn diện về dinh dưỡng, cách tiêm, theo dõi đường huyết, xử trí và phòng ngừa hạ đường huyết...

Chia sẻ nghiên cứu “Chi phí quản lý bệnh ĐTĐ và lợi ích của việc quản lý biến chứng trong tiết kiệm chi tiêu ngân sách BHYT”, TS.Kiều Thị Tuyết Mai- Đại học Y dược Hà Nội cho biết: Cơ cấu chi phí cho bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng so với bệnh nhân ĐTĐ chưa biến chứng ở tất cả các dịch điều trị như thuốc ĐTĐ, thuốc điều trị các bệnh đi kèm, điều trị ngoại trú, nội trú, cấp cứu đều có mức cao hơn từ 1,8-4,6 lần. “Tháp” chi phí điều trị của bệnh nhân ĐTĐ cho thấy, nhóm 10% bệnh nhân ĐTĐ biến chứng nặng chiếm tới 46% tổng chi phí, còn 54% tổng chi phí dành cho toàn bộ 90% bệnh nhân còn lại.

Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, thống kê từ một số nước Châu Âu (Anh, Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha) cho thấy, trong trường hợp mắc Covid-19, bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng có mức chi điều trị cao gấp 2-2,5 lần chi phí điều trị bệnh nhân ĐTĐ không biến chứng... Theo TS.Kiều Thị Tuyết Mai, hiện cả nước đang có khoảng 2 triệu bệnh nhân ĐTĐ típ 2 đã được chẩn đoán, và 65% trong số đó đã xuất hiện biến chứng (dẫn đầu là tim mạch, thần kinh…). Những con số trên cho thấy, việc ngăn ngừa biến chứng tại nhóm bệnh nhân ĐTĐ thông thường vẫn rất có ý nghĩa trong việc sử dụng hiệu quả ngân sách y tế, quỹ BHYT...

Đồng tình với quan điểm này, đại diện BHXH Việt Nam- ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh: Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, chi phí cho điều trị bệnh ĐTĐ ngày một gia tăng, và càng gia tăng khi người bệnh gặp các biến chứng mà một trong các nguyên nhân là công tác quản lý bệnh ĐTĐ chưa đạt yêu cầu. Trách nhiệm cung của các nhà quản lý, cơ quan tổ chức thực hiện, các bác sĩ lâm sàng thấy là quản lý bệnh ĐTĐ hiệu quả hơn nữa, phát hiện sớm, điều trị sớm để giảm thiểu gánh nặng, giảm gánh nặng cho người bệnh, quỹ BHYT và chi phí xã hội.

Cụ thể, trong giai đoạn hiện nay, dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn quá trình thăm khám của nhiều bệnh nhân ĐTĐ, nhưng không thể gián đoạn quá trình điều trị. Thời gian vừa qua, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã đồng thuận thực hiện kê đơn, cấp thuốc dài ngày cho bệnh nhân ĐTĐ đến 2 tháng. Theo ông Phúc, chính sách này vẫn nên được duy trì trong khoảng thời gian tới để thuận lợi tối đa cho người bệnh, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp tại một số địa phương.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết, có một số lo ngại về việc cung ứng thuốc khó khăn, khi bệnh nhân ĐTĐ đang điều trị ở BV tuyến trên được chuyển về quản lý tại cơ sở y tế tuyến dưới trong giai đoạn Covid-19, nhưng lại không có đủ thuốc theo danh mục mà bệnh nhân đang sử dụng. Hiện nay, chính sách thống nhất là không cản trở việc đi lại của bệnh nhân, nhưng cũng là thách thức với nhiều BV khi nhiều bệnh nhân ở các địa phương có dịch có nguy cơ mang mầm bệnh đến cơ sở y tế khác. "Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang xem xét cơ chế phù hợp đảm bảo đủ thuốc theo nhu cầu điều trị"- ông Khoa thông tin.

Tạp chí BHXH