Xã hội văn minh phải có BHXH để bảo vệ

21/10/2021 07:09 AM


Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, những năm qua việc thực hiện chính sách, pháp luật cũng như quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT luôn được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, để phát huy vai trò cao hơn nữa, các chính sách này vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM):

Hằng năm, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đều tổ chức các phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT. Qua theo dõi và trực tiếp tham gia, tôi cho rằng, chúng ta cần tập trung đánh giá tình hình thu BHXH, BH thất nghiệp… Chúng ta phải đánh giá tiêu chí đầu tiên, tức là có bảo đảm sự hài lòng cũng như quyền lợi của người dân hay không; nếu muốn người dân hài lòng thì đầu tiên nguồn thu phải dồi dào. Nguồn thu của chúng ta thấp hơn rất nhiều so với thế giới, nhưng lại đặt ra việc chi chế độ nhiều hơn, tỷ lệ chi cao hơn và bao phủ nhiều đối tượng hưởng hơn. Bên cạnh đó, nguồn quỹ cũng ảnh hưởng bởi các DN chây ỳ, trốn đóng, không chịu đóng nộp BHXH.

 

Bà Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM)

Chính vì vậy, bên cạnh việc thanh kiểm tra, khởi tố theo quy định, chúng ta cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung “bêu” những DN không đóng nộp BHXH đúng quy định; tuyên truyền cho NLĐ thấy chúng ta đang bảo vệ quyền lợi cho họ, NLĐ đang bị công ty đó lợi dụng thu tiền BHXH nhưng lại không nộp cho cơ quan BHXH; và hậu quả sau mất việc hay khi về già, NLĐ sẽ không có chế độ. Chúng ta tập trung tuyên truyền có định hướng lợi ích của BHXH rằng một xã hội văn minh phải có BHXH để bảo vệ.

Cùng với đó, tôi cho rằng, hiện số người tham gia BHXH đang tăng nhưng mức đóng và số tiền đóng BHXH không cao, càng không thể cao bằng NLĐ đóng BHXH bắt buộc theo mức lương. Đa số người dân tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ (hộ nghèo, cận nghèo tham gia nhiều)- như vậy nếu càng vận động được nhiều người tham gia BHXH tự nguyện thì nguy cơ bội chi quỹ BHXH trong tương lai càng lớn, nhất là Luật BHXH không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ về vấn đề này, để có giải pháp khắc phục bất cập trong Luật BHXH.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai):

Năm 2020, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng việc phát triển người tham gia BHXH rất tốt, nhất là tham gia BHXH tự nguyện. Điều này cho thấy, để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, ngoài điều chỉnh thời gian đóng BHXH ngắn hơn để được hưởng chế độ hưu trí, cũng cần có sự chung tay hỗ trợ từ Nhà nước. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đánh giá lại chính sách này cũng như nâng mức hỗ trợ từ NSNN cao hơn, nhằm thu hút người dân tham gia vào hệ thống BHXH. Cùng với đó, cũng phải nâng cao hơn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện, để tiền lương hưu của người nghỉ sau này được đảm bảo về mặt an sinh xã hội.

 

Bà Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai)

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cơ quan quản lý nhà nước rất tốt. Tuy nhiên, qua theo dõi tôi thấy còn nhiều DN vi phạm, chủ yếu là trốn đóng, nợ BHXH, BHYT kéo dài. Nguyên nhân có nhiều, song tôi cho rằng, chế tài xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động, BHXH còn rất thấp, thiếu tính răn đe, mức tối đa xử lý hành vi vi phạm là 75 triệu đồng, nên nhiều DN sẵn sàng chịu phạt để chiếm dụng tiền BHXH, BHYT của NLĐ.

Chủ SDLĐ vi phạm bị áp dụng chịu trách nhiệm chủ yếu ở 3 lĩnh vực: Vi phạm quy định về đóng BHXH, vi phạm về hưởng BHXH và các vi phạm khác. Chế tài hình sự đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH còn định tính, chung chung dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, cơ quan BHXH và tổ chức Công đoàn đã chuyển nhiều hồ sơ vụ việc DN nợ BHXH cho cơ quan điều tra, nhưng trên thực tế cơ quan điều tra vẫn chưa khởi tố được vụ nào theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Từ thực trạng này tôi kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng tạo cơ sở cho Công đoàn cấp trên đại diện NLĐ khởi kiện DN đòi tiền nợ BHXH. Cùng với đó, Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy trình thủ tục để cơ quan BHXH và tổ chức Công đoàn tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Mặt khác, hiện nay BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng VssID và cho thấy rất hiệu quả. Do đó, nếu có sự liên thông với các ngành liên quan thì việc kiểm tra, giám sát lẫn nhau sẽ hạn chế số DN nợ BHXH. Khi thời gian nợ BHXH của DN còn ngắn, số tiền còn ít, chúng ta có thể xử lý ngay nhằm tránh được số tiền nợ BHXH cao, thời gian nợ dài, dẫn đến DN không còn khả năng trả nợ BHXH…

Ông Trần Thanh Tùng- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Phải nói rằng, công tác phát triển số người tham gia BHYT có những bước tiến rất vững và tương đối chắc chắn trong những năm qua. Tỷ lệ bao phủ BHYT cũng có những bước tiến rất xa, vượt mục tiêu Nghị quyết số 68 đề ra tới 10,85% (tỷ lệ bao phủ hiện đạt 90,85% dân số). Tôi cũng thấy rằng, quỹ BHYT hiện đang kết dư hơn 32.000 tỷ đồng và chúng ta đã có phương án đảm bảo an toàn cho quỹ.

 

Ông Trần Thanh Tùng- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Cùng với đó, do COVID-19, nhiều DN phải cho NLĐ nghỉ việc, chấm dứt HĐLĐ, hoặc thỏa thuận NLĐ tạm hoãn hoặc ngừng việc, nghỉ không lương có ràng buộc về HĐLĐ để sau khi dịch bệnh được khống chế sẽ tiếp tục kêu gọi NLĐ đi làm trở lại. Trong khi đó, pháp luật BHYT cũng như Nghị định số 146/2018/NĐ-CP chưa quy định rõ trường hợp này, dẫn đến cơ quan BHXH không có cơ sở để thu BHYT- đây là khó khăn cho quỹ BHYT. Mặt khác, mệnh giá thẻ BHYT không thay đổi nhưng phạm vi, quyền lợi hưởng BHYT lại rộng, đã tác động đến cân đối quỹ BHYT. Hiện nay, người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán hơn 18.000 dịch vụ y tế, trong khi chỉ có 140 dịch vụ y tế có quy định điều kiện tỷ lệ thanh toán; hơn 1.000 thuốc hóa dược, sinh phẩm nhưng chỉ có 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm có quy định điều kiện tỷ lệ chi trả.

Hiện Chính phủ đang đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật BHYT và tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất này. Đây là một trong những luật phải được ưu tiên rà soát để sớm đề xuất Quốc hội bổ sung chương trình năm 2022, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, song song với rà soát Luật BHYT, Chính phủ cũng phải rà soát Luật KCB cho đồng bộ, nghiên cứu xây dựng Luật Trang thiết bị BHYT và một số luật khác trong lĩnh vực y tế để đồng bộ.

Tạp chí BHXH