Đánh giá công nghệ y tế: Công cụ kiểm soát quỹ BHYT
05/01/2022 07:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo các chuyên gia, đánh công nghệy tế (Health Tech Assessment-HTA) là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần kiểm soát hiệu quả quỹ BHYT, giảm tải những thách thức từ sự mất cân đối thu- chi do mức đóng BHYT được duy trì ở mức thấp trong nhiều năm, nhu cầu KCB của người dân ngày càng cao…
Hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế nói chung và đánh giá kinh tế dược nói riêng đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT. Tại Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế ngày càng trở nên khan hiếm, quỹ BHYT phải bao phủ ngày càng nhiều dịch vụ y tế thì việc đánh giá công nghệ y tế cần được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế và chính sách BHYT.
Làm thủ tục thanh toán BHYT cho người bệnh
Theo ThS.Vũ Nữ Anh- Vụ BHYT (Bộ Y tế), trước năm 2016, thu quỹ BHYT luôn cao hơn số chi quỹ BHYT và có kết dư. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016- 2019, quỹ BHYT phải đối mặt với tình trạng mất cân đối thu- chi rất lớn. “Nếu tiếp tục đà này, chúng ta sẽ dần đối mặt với vấn đề mất cân đối thu- chi ngày càng nghiêm trọng hơn. Để khắc phục, ứng dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế là một giải pháp hữu hiệu góp phần kiểm soát vấn đề cân đối thu- chi quỹ BHYT”- ThS.Vũ Nữ Anh lưu ý.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Xét trên khía cạnh đầu vào, chúng ta đang cố định một mức thu mà không có sự thay đổi. Trong khi đó, ở đầu ra, sự phát triển của công nghệ y tế, nhu cầu về KCB, nhu cầu sử dụng các dịch vụ kĩ thuật cao không ngừng tăng lên, dẫn đến việc mất cân đối thu- chi quỹ BHYT trở thành vấn đề tất yếu.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã dự đoán trước khả năng này. “Với việc phát triển, mở rộng đối tượng bao phủ lên tới gần 91% dân số, cùng với tăng cường khâu kiểm soát thu- chi, chúng ta đã có sẵn nguồn dự phòng để bù đắp cho việc mất cân đối quỹ”- Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh và phân tích thêm: Năm 2020, số thu cao hơn số chi nhưng hoàn toàn do dịch bệnh COVID-19, chứ không phản ánh đúng bản chất của việc KCB và chi phí KCB. Do đó, chúng ta phải loại trừ yếu tố trên, khi mà quỹ BHYT giảm chi do ảnh hưởng của đại dịch, người dân không được tiếp cận dịch vụ y tế. Đứng trên góc độ chính sách BHYT, NSNN đang phải gánh chi phí mang tính dịch bệnh thiên tai, toàn cầu. NSNN chi trả cho việc điều trị COVID-19, quỹ BHYT chi trả cho chi phí KCB thuộc gói quyền lợi BHYT. “Trong năm 2022, chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể kiểm soát tốt dịch bệnh để đưa hoạt động xã hội trở về trạng thái bình thường mới và người dân cũng có thể tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn. Chúng ta đang đánh giá theo hướng xác định nhu cầu thật để đi KCB. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể tạo nên sự cân bằng mới trong việc thực hiện chính sách BHYT cũng như cân đối thu- chi quỹ BHYT”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn bày tỏ.
Xây dựng gói quyền lợi cho người tham gia BHYT
Chia sẻ về vai trò của việc đánh giá công nghệ trong hoạch định chính sách y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của hệ thống y tế, đó là xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá công nghệ y tế để xác định các can thiệp y tế có hiệu lực, hiệu quả, chi phí thấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế.
Theo đó, việc đánh giá, dự báo tác động ngân sách được coi là một công cụ đắc lực đã được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới trong ứng dụng ra các quyết định chi trả. “Trong thời gian tới, việc sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế, bằng chứng về đánh giá tác động ngân sách trong xây dựng chính sách thuốc BHYT sẽ không còn mang tính khuyến khích, mà chắc chắn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, nhất là đối với các thuốc đề xuất bổ sung mới vào danh mục”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng, để việc xây dựng chính sách y tế, nhất là xây dựng gói quyền lợi BHYT có những thay đổi mang tính đột phá, ngày càng minh bạch, dựa trên bằng chứng khoa học rõ ràng, bảo đảm lợi ích hài hòa của tất cả các bên liên quan và bảo đảm khả năng chi trả của quỹ BHYT thì việc xây dựng hệ thống đánh giá công nghệ y tế là rất cần thiết và quan trọng. Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT cần dựa trên các bằng chứng đánh giá công nghệ y tế, đặc biệt các bằng chứng về chi phí- hiệu quả và đánh giá tác động ngân sách.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam đã đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Đáng chú ý là việc thanh toán, phòng chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện tại mỗi địa phương. Giai đoạn này hạn chế số lượt người đi KCB BHYT, nhưng tổng chi từ quỹ KCB BHYT vẫn gia tăng so với năm 2020, cho thấy quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo ở mức cao. BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia với Bộ Y tế hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh BHYT như: Cấp thuốc dài ngày, cấp thuốc cho người bệnh mạn tính từ 2- 3 tháng để hạn chế phải đến cơ sở y tế nhiều lần; liên tục có các văn bản hướng dẫn BHXH các địa phương, cơ sở KCB thực hiện các giải pháp phù hợp đảm bảo tạo thuận lợi cho người bệnh BHYT khi đi KCB; đảm bảo cơ sở KCB đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân; hướng dẫn thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHYT cho người có thẻ BHYT, đảm bảo nguyên tắc “tuyệt đối không để người bệnh phải tự chi trả chi phí KCB thuộc phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định”.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số