Giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

20/06/2022 10:45 PM


Theo phản ánh của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thời gian qua đã có rất nhiều người lao động bày tỏ sự tiếc nuối khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần, nay mong muốn được nộp lại số tiền đã nhận và đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí chăm sóc sức khỏe.

Truyền thông chính sách BHXH đến người lao động tự do tại tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh TRUNG TÂM)

Thống kê của BHXH Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm nay, đã có 302 nghìn người lao động rút BHXH một lần, con số dù có giảm hơn so cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn con số bình quân hằng năm. Theo một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động thường rút BHXH một lần đối với những trường hợp đóng dưới 10 năm; và theo một điều tra xã hội học, có đến hơn 61% người lao động sẵn sàng nhận BHXH một lần, kiên quyết không rút chỉ có hơn 31% và không bày tỏ ý kiến là gần 8%. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp, không có tích lũy, công việc bấp bênh và không có niềm tin dài hạn vào chính công việc mình đang làm.

Lợi hay thiệt khi rút BHXH một lần?

Tại cuộc gặp mặt, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với công nhân, lao động năm 2022, tổ chức tại Bắc Giang ngày 12/6 vừa qua, từ điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh, nữ công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh) đã kiến nghị với Chính phủ sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo chị Hà, thời gian đóng 20 năm đối với công nhân là rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân từ 40-45 tuổi. “Chúng tôi đều biết rút bảo hiểm thì về già không có lương hưu, nhưng nhiều anh chị em khó khăn quá và thời gian đóng dài cho nên vẫn phải rút BHXH một lần”, chị Hà chia sẻ.

Còn trường hợp chị Lê Thị Hóa (xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, từng làm cho một công ty trong thành phố Hồ Chí Minh được 10 năm 10 tháng. Khi dịch Covid-19 ập đến, chị Hóa phải nghỉ việc, chồng chị cũng mất việc, hai vợ chồng trở về quê làm công việc tự do. Đến cuối năm 2021, chị Hóa xin rút BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Cứ nghĩ đơn giản là có một khoản để lo cho cuộc sống nhưng khi nhìn cha mẹ mình không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh, chị Hóa cảm thấy hối tiếc muốn đóng lại toàn bộ khoản tiền đã rút nhưng không được chấp nhận bởi không đúng quy định của pháp luật. Chính vì vậy, chị Lê Thị Hóa đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện lại từ đầu năm 2022.

Cũng gần giống trường hợp chị Hóa, chị Hoàng Thị Thịnh (thôn Văn Phú, Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) cũng xin rút BHXH một lần được hơn 40 triệu đồng. Với số tiền đó, chị sửa sang nhà cửa và kinh doanh tự do, thu nhập bấp bênh chưa đến 2 triệu đồng/tháng, trong khi đó còn phải mua bảo hiểm y tế để phòng lúc ốm đau. Lúc này, chị mới hiểu rút BHXH một lần không chỉ đơn giản là mang tiền về, mà còn là từ bỏ lương hưu. Tuy nhiên, khi rút BHXH một lần, chị Thịnh cũng không tìm hiểu kỹ về những thiệt hại khi rời bỏ hệ thống BHXH.

Một số liệu thống kê đáng lo ngại là trong số hơn 13 triệu người già hiện nay thì gần 10 triệu người không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh. Việc người lao động sớm rời bỏ hệ thống BHXH là họ đã tự tước quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, nhất là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất… dẫn đến rủi ro trong tương lai. Đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH toàn dân và bảo đảm an sinh xã hội đất nước.

Xem xét giảm thời gian đóng BHXH

Có thể thấy, sau sáu năm thực thi, Luật BHXH năm 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập. Như: Thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, nhiều lao động không chờ được đã chọn rút BHXH một lần; người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản…

Tại buổi đối thoại của Thủ tướng Chính phủ, giải đáp câu hỏi của công nhân, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước hiện có khoảng 55 triệu lao động, song chỉ hơn 20 triệu người có giao kết, hợp đồng lao động. Trong đó, có hơn 16 triệu người đóng BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, cho thấy tỷ lệ tham gia BHXH còn rất thấp (chiếm khoảng hơn 33% lực lượng lao động).

Tình trạng người lao động rút BHXH một lần thời gian qua sẽ gây hệ lụy lâu dài với tương lai người lao động và chính sách an sinh xã hội. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, để hạn chế rút BHXH một lần, cần sửa Luật BHXH. Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng dự Luật BHXH sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Một trong những sửa đổi căn cơ là giảm dần số năm đóng BHXH để người lao động hưởng lương hưu. Theo đó, dự kiến sẽ rút dần thời gian đóng BHXH xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm để người lao động có thể tiếp cận hưu trí, tránh việc 20 năm quá dài không thể theo được và phải dựa trên nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam cho biết, cùng với việc tập trung nghiên cứu các chính sách theo hướng giảm dần năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, Bộ đang tập trung nghiên cứu nhiều chính sách khác nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp xu hướng chung của thế giới. Mục đích việc điều chỉnh này là tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Để khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH, cần những quy định để hạn chế việc rút BHXH một lần, quy định khoảng thời gian được phép bảo lưu song phải tăng quyền lợi lâu dài mà không tác động lớn đến tâm lý người lao động.

Báo Nhân dân