Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: Những phương pháp vận động linh hoạt và sáng tạo

20/03/2020 09:48 AM


Khi ban hành chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, Đảng và Nhà nước ta đã tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia, với mong muốn tăng dần số người được hưởng chế độ trợ cấp, tiến tới mục tiêu BHXH cho toàn thể người lao động, đảm bảo mọi người già đều có lương hưu, xây dựng xã hội công bằng, văn minh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện gặp không ít những khó khăn bởi đây là một chính sách mới, người dân chưa hiểu hết lợi ích, mục đích, ý nghĩa nên chưa đăng ký tham gia.

 

Từ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH tỉnh…
Sau 10 năm thực hiện, đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện ở Đắk Lắk chỉ mới có 3.632 người, chủ yếu là những người lao động đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí, số người tham gia mới chiếm tỷ lệ quá nhỏ. Để đẩy nhanh tiến độ mở rộng diện bao phủ BHXH, Lãnh đạo BHXH tỉnh đã đề ra chương trình kế hoạch cụ thể, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, vận động công chức, viên chức phát huy mọi sở trường, năng lực nhằm đạt được chỉ tiêu kế hoạch của BHXH Việt Nam giao, từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều phương pháp vận động đầy sáng tạo của các tập thể và cá nhân trong toàn Ngành. 
Từ cuối năm 2018, BHXH tỉnh đã phát động phong trào thi đua, gắn trách nhiệm vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện với chỉ tiêu thi đua, theo đó, mỗi công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành hằng năm phải vận động ít nhất 01 người tham gia BHXH tự nguyện, riêng đối với cán bộ thu và khai thác đối tượng phải vận động ít nhất 03 người tham gia mỗi năm. Như vậy, chưa tính đến hệ thống các Đại lý thu, riêng công chức, viên chức và người lao động trong Ngành hàng năm đã vận động được từ 300 người trở lên tham gia BHXH tự nguyện. Việc vận động đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được duy trì thường xuyên và được xem là một nhiệm vụ rất quan trọng của các đơn vị cũng như toàn thể công chức, viên chức.

Tư vấn BHXH tự nguyện cho người dân tại huyện Cư M’gar (Ảnh: Phạm Loan)

…Đến sự sáng tạo của hệ thống BHXH cấp huyện
Từ phong trào đó, các đơn vị trong Ngành đã có nhiều cách làm hay. Đơn cử như BHXH huyện Krông Ana có tiếp cận riêng, đích thân Lãnh đạo BHXH huyện đã đến từng hộ gia đình, gặp gỡ trực tiếp nhiều người dân để tuyên truyền vận động. Lãnh đạo tiên phong, đi trước trực tiếp tuyên truyền vận động, nhân viên theo địa chỉ đến tận nơi đăng ký tham gia cho người dân, hướng dẫn cụ thể, cung cấp đầy đủ tất cả biểu mẫu, mọi thủ tục đều nhanh gọn, thuận lợi, không phiền hà... đã làm cho người lao động yên tâm đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Nhận thức được bản thân cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước là người rất hiểu luật, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước do đó BHXH huyện Cư Mgar đã chú ý tuyên truyền vận động đến đối tượng là người thân của nhóm đối tượng này.Với phương châm viên chức và người lao động của Ngành BHXH phải là người gương mẫu, uy tín, tận tâm, hết lòng vì người lao động; với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, BHXH huyện Cư Mgar đã vận động thân nhân của hầu hết các nhóm đối tượng như: Thân nhân cán bộ, công chức huyện; thân nhân cán bộ, công chức xã; thân nhân Nhà giáo...tham gia BHXH tự nguyện, phát triển đến đâu, duy trì bền vững đến đấy. Trong 02 năm liền, BHXH huyện Cư Mgar là đơn vị đi đầu trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Đặc biệt, Lãnh đạo BHXH huyện M’Đrắk đã nghĩ đến phương pháp vận động, tuyên truyền lan tỏa, tức là tuyên truyền, vận động một nhóm đối tượng tham gia, sau đó dùng chính nhóm đối tượng này làm chỗ dựa để vận động lan tỏa đến các nhóm đối tượng khác. Nhóm mà BHXH huyện hướng tới là đội ngũ cán bộ thôn, buôn, khu phố, công an viên, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thị trấn chưa được tham gia BHXH bắt buộc. Sau khi xác định được nhóm đối tượng mục tiêu, BHXH huyện đã có cách tiếp cận một cách khéo léo, đó là vận động lãnh đạo chính quyền các xã, thị trấn hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ thôn, buôn, công an viên... thuộc quyền quản lý để họ tham gia BHXH tự nguyện. Đến nay, BHXH huyện M’Đrắk đã tuyên truyền, vận động được cán bộ thôn, buôn, công an viên của 7/12 xã tham gia, nâng tổng số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại huyện M’Đrắk lên 488 người, vượt xa con số chỉ tiêu giao của BHXH tỉnh. Trong hai năm liền (2018-2019), BHXH huyện M’Đrắk được Giám đốc BHXH tỉnh tặng giấy khen do phát triển vượt chỉ tiêu đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
Với nỗ lực phấn đấu của toàn Ngành, những phương pháp vận động linh hoạt và sáng tạo của các tập thể và cá nhân, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 6.979 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,66% lực lượng lao động trong độ tuổi, riêng số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2019 là 3.347 người, gần bằng số người của 10 năm trước đó cộng lại. Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là một quá trình lâu dài, chỉ tiêu bao phủ BHXH toàn bộ người lao động trong độ tuổi là một thử thách lớn đang chờ phía trước. Tuy nhiên, với những nỗ lực, sáng tạo không ngừng, tin tưởng rằng BHXH tỉnh Đắk Lắk sẽ hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch mà BHXH Việt Nam, Chính phủ giao./.    

 

Trương Văn Bá

  • TIN BÀI LIÊN QUAN