Phát huy vai trò của đội ngũ nhân viên thu bảo hiểm

19/08/2020 02:04 PM


Những năm qua, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, số thu tăng nhanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Có được kết quả đó một phần là nhờ việc tuyên truyền, thuyết phục và vận động có hiệu quả của đội ngũ cán bộ đại lý thu, cộng tác viên ở cơ sở.

Nhận thức vai trò quan trọng của đại lý thu trong việc tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT ở cơ sở, BHXH các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đặc biệt chú trọng đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức, năng lực và sự tự tin cho các nhân viên đại lý thu, cộng tác viên đại lý ở cơ sở. Chính những nhân viên đại lý thu, cộng tác viên cơ sở đã tuyên truyền một cách đầy đủ, chính xác chính sách, thông tin liên quan đến quyền, lợi ích của người dân khi tham gia bảo hiểm, giúp nhiều người thay đổi nhận thức.
 
Đơn cử như chị Hồ Thị Vân (nhân viên Bưu điện xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột kiêm đại lý thu bảo hiểm), bằng cách tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu; đặc biệt là nắm vững các chính sách, Luật BHXH, BHYT để tuyên truyền, tư vấn, vận động nên chị đã phát triển được khá nhiều đối tượng tham gia. Chị Vân chia sẻ, với những người làm đại lý thu như chị việc đầu tiên là phải luôn gần gũi với bà con để kịp thời nắm bắt, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của mỗi người, từ đó tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”...
 
Đến khi có người muốn tham gia, chị lại mời đến Bưu điện xã để làm các thủ tục, hợp đồng nhằm tạo niềm tin vững chắc vì nhiều người khi thấy chị đến tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện họ không biết chị là ai nên sợ bị lừa. Cùng với đó, dù bận rộn với công việc chuyên môn nhưng chị vẫn tranh thủ thời gian giới thiệu về chính sách BHXH tự nguyện mỗi khi có người dân đến giao dịch.
 
Tuy nhiên, do những người đến bưu cục chủ yếu là để ký gửi bưu phẩm, thư tín với khoảng thời gian ngắn nên chị chỉ giới thiệu đủ để họ biết về BHXH tự nguyện. Nhận thấy khách hàng nào có nhu cầu, chị tranh thủ thời gian các buổi chiều, tối để tư vấn, giải thích cụ thể hơn. Chính nhờ vậy, chỉ sau hơn 1 năm làm công tác này, chị đã phát triển được trên 60 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.


Chị Hồ Thị Vân (bên phải) tuyên truyền, vận động một hộ dân trên địa bàn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia BHXH tự nguyện.

Với bà Bùi Thị Nhuần (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana), gần 20 năm gắn bó với công việc thu bảo hiểm, bà không thể nhớ hết số người mình đã vận động tham gia BHYT hộ gia đình. Thế nhưng, bà lại nhớ rõ những người đã mua BHYT nhưng sắp hết thời hạn sử dụng để kịp thời gọi điện nhắc nhở họ tiếp tục mua; những người bà vận động được không chỉ trên địa bàn xã Bình Hòa mà còn ở các xã khác và thị trấn Buôn Trấp.
 
Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 1.000 nhân viên đại lý và cộng tác viên cơ sở. Họ chính là những “cánh tay nối dài” để đưa các chủ trương, chính sách về BHXH tự nguyện đến gần hơn với người dân.

Theo bà Nhuận, trung bình mỗi tháng bà bán được khoảng 70 – 80 thẻ BHYT. Có được kết quả này, bà phải đi tuyên truyền, vận động từng đối tượng, gia đình. Có gia đình trước đó không có ý định mua BHYT nhưng nghe bà giải thích và hiểu rõ những lợi ích khi có thẻ BHYT, nhất là khi ốm đau, họ đã mua bảo hiểm cho các thành viên trong gia đình.

Bà Trương Thị Bông (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) cũng là một điển hình trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi những kiến thức, chính sách bảo hiểm và vận dụng tuyên truyền dễ hiểu nên bà được nhiều người tin tưởng mua BHYT. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, bà đã bán được 1.259 thẻ BHYT với số thu  gần 793 triệu đồng.
 
Có thể nói, thời gian qua công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo để đạt được kết quả tốt; trong đó, lực lượng nòng cốt vẫn là các nhân viên đại lý, cộng tác viên cơ sở. Thực tế cho thấy, một phần nguyên nhân việc người dân tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế là do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách, lợi ích tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già.
 
Do đó, thay đổi nhận thức của người dân là việc làm hết sức cần thiết, mà người có thể làm được việc này trước hết là các nhân viên thu và đội ngũ cộng tác viên ngoài ngành (là thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, cán bộ hưu trí…). Chính sự tích cực, tâm huyết cùng với uy tín cá nhân, họ không ngại khó, ngại khổ “bám làng, bám dân”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” gặp gỡ, tiếp xúc với các nhóm đối tượng tiềm năng để tư vấn, vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT./.

Báo Đắk Lắk

  • TIN BÀI LIÊN QUAN