Nhiều lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình

09/12/2020 07:21 AM


Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình không chỉ nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mỗi thành viên trong nhà mà với hình thức này, chi phí đóng sẽ thấp hơn so với các nhóm khác, nhất là đối với gia đình đông người.

Luật BHYT quy định, người tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình ngoài các quyền, lợi ích về hình thức đóng, thời gian tham gia, lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chế độ chi trả… còn được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Đặc biệt, nếu gia đình càng có nhiều thành viên cùng tham gia BHYT theo hộ gia đình thì chi phí mua thẻ càng giảm. Cụ thể, người thứ nhất một tháng đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Như vậy, so với việc tham gia BHYT cho từng cá nhân đơn lẻ, có thể thấy rõ lợi ích kinh tế hơn khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình bao gồm toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, trừ đối tượng đã được cấp thẻ BHYT ở các nhóm đối tượng khác và người đã khai báo tạm vắng.

Bệnh nhân có thẻ BHYT điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H'leo.

Bà Nguyễn Thị Gái (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, gia đình bà có 3 thế hệ cùng chung sống, do đó, mỗi năm chi phí tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình là khá lớn. Cụ thể, ngoài các cháu nhỏ đang đi học phải mua ở trường thì 5 người lớn trong gia đình cũng đều tham gia BHYT để phòng ngừa lúc ốm đau. Để tất cả các thành viên đều vừa có bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe vừa tiết kiệm chi phí mua nên mấy năm nay cả nhà bà đều tham gia theo hình thức hộ gia đình. Nhờ đó, đợt vừa rồi, bà đã mua 5 thẻ BHYT cho chồng và các con chỉ tốn trên 2 triệu đồng, tiết kiệm khá nhiều so với mua lẻ từng người như trước đây.

Tương tự, chị Huỳnh Thị Bê (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) mỗi năm đều mua 6 thẻ BHYT cho các thành viên trong gia đình. Theo chị, lúc đầu thấy tham gia BHYT theo hộ gia đình khá khó khăn với gia đình làm nông như chị. Tuy nhiên, khi được nghe nhân viên bảo hiểm tư vấn, phân tích, chị hiểu được quyền lợi và nhận thức được việc có thẻ BHYT giống như “phao cứu sinh” giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật nên đã quyết định mua cho cả nhà.

Được biết, những năm qua, ngành bảo hiểm tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHYT nói chung và BHYT hộ gia đình nói riêng. Ngoài các buổi hội nghị, tập huấn ở các địa phương thì đội ngũ cán bộ thu đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động và giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của người dân trong quá trình tham gia và hưởng quyền lợi BHYT hộ gia đình. Chính nhờ đó, nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật BHYT được nâng lên, góp phần phát triển mở rộng đối tượng tham gia.

Cán bộ BHXH huyện Krông Năng giải đáp thông tin về chính sách bảo hiểm cho người dân.

Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 11-2020, toàn tỉnh có 1.653.811 người tham gia BHYT, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh lên 89,14% dân số (theo kế hoạch năm 2020 đạt 90%). Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới 299.464 thẻ BHYT; cùng với đó, có 2.443.000 lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng số tiền được BHYT chi trả trên 1.042 tỷ đồng. Đơn cử như trường hợp một bệnh nhân ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) bị bệnh tim mạch được BHYT thanh toán trên 258 triệu đồng trong tổng chi phí điều trị 327 triệu đồng; hay một bệnh nhân ở xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) điều trị bệnh nhiễm trùng huyết với chí phí trên 986 triệu đồng và đã được BHYT thanh toán trên 888 triệu đồng…

Có thể nói, BHYT là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Thực tế, việc tham gia BHYT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính. Bởi nếu không may mắc bệnh và phải điều trị dài hạn thì tấm thẻ sẽ BHYT trở thành “phao cứu sinh” cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo.

Báo Đắk Lắk

  • TIN BÀI LIÊN QUAN