Huyện Buôn Đôn: Duy trì phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong đại dịch
02/12/2021 09:40 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ở huyện Buôn Đôn vẫn duy trì phát triển đối tượng tham gia, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Buôn Đôn nói riêng. Cùng với đó, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện cũng gặp nhiều trở ngại khiến việc phát triển loại hình bảo hiểm này thêm khó khăn.
Tuy vậy, BHXH huyện Buôn Đôn đã triển khai những giải pháp linh hoạt, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chính sách, lợi ích để người dân nhận thức rõ đây là chính sách nhân văn, ưu việt và tự nguyện tham gia.
Chị Nguyễn Thị Bích Thảo (SN 1985, xã Krông Na) – người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2021 bày tỏ, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp như năm nay, nhưng khi nghe tuyên truyền về lợi ích thiết thực của việc tham gia BHXH tự nguyện chị liền đăng ký tham gia với mức đóng thấp nhất hơn 100 nghìn đồng/tháng (Nhà nước hỗ trợ 47 nghìn đồng/tháng do chị thuộc diện hộ nghèo). Chị nghĩ bây giờ bản thân còn trẻ, còn kiếm được tiền thì tranh thủ đóng xem như để dành dưỡng già chứ đâu ai biết trước được cuộc sống sau này.
Không chỉ với những người trẻ như chị Thảo, mà nhiều người lớn tuổi cũng nhận thức được việc tham gia BHXH tự nguyện sẽ mang lại lợi ích như là "điểm tựa" cho họ khi về già. Đơn cử như ông Nguyễn Đình Giản (xã Tân Hòa) là một cán bộ xã về hưu trong năm 2021 nhưng chưa đủ thời gian tham gia BHXH để được nhận lương hưu. Theo đó, dù đã đến tuổi về hưu nhưng ông còn thiếu thời gian gần 3 năm mới đủ điều kiện 20 năm tham gia BHXH. Do vậy, ông đã quyết định đóng một lúc số tiền hơn 200 triệu đồng để được nhận lương hưu hằng tháng (trên 3,4 triệu đồng/tháng).
Theo số liệu thống kê của BHXH huyện Buôn Đôn, tính đến cuối tháng 11/2021, toàn huyện có gần 800 người tham gia BHXH tự nguyện trên tổng số chỉ tiêu BHXH tỉnh giao là phát triển 890 người trong năm 2021 (đạt trên 92%). Để đạt được kết quả này, BHXH huyện đã tập trung đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp với các đối tượng khác nhau. Trong đó, tập trung hướng đến những người làm công tác dân vận, những cán bộ thôn, buôn và người có uy tín trong cộng đồng.
Bà Hoàng Thị Tuyết Trinh, Phó Giám đốc BHXH huyện Buôn Đôn chia sẻ, cùng với việc truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội Facebook, Zalo… thì BHXH huyện còn phối hợp với địa phương thành lập ban chỉ đạo các xã để đến tận thôn, buôn lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp của khu dân cư giúp người dân hiểu và tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mới thì trong năm, số người tạm dừng đóng vào quỹ BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện cũng chiếm số lượng không ít. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn thu nhập giảm nên toàn huyện Buôn Đôn có khoảng 200 người tạm dừng đóng BHXH tự nguyện. Điều này gây không ít khó khăn trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH cũng như công tác chăm lo cho các đối tượng lao động khi về già.
Có thể nói, BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người lao động làm nông nghiệp hoặc làm các công việc không có hợp đồng lao động có lương hưu và thẻ BHYT để duy trì cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động. Song để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, nhất là đạt được những kết quả tích cực trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, rất cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH; đặc biệt là sự thay đổi nhận thức của người dân.
Báo Đắk Lắk
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc