Nỗ lực lan tỏa chính sách bảo hiểm xã hội đến với người dân

21/11/2022 10:45 PM


Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, trong những năm qua, các nhân viên của đại lý thu (nay gọi là tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội) trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đến với mọi người dân.

15 năm gắn bó với BHXH

Bước sang tuổi 62, ông Phạm Văn Khánh (ở thôn 1, xã Hòa Thành, huyện Krông Bông) không quản ngại nắng mưa, vẫn cần mẫn đến từng khu dân cư, hộ dân để tuyên truyền chính sách, ý nghĩa thiết thực của BHXH.

Ông Khánh có 25 năm làm trong Ban tự quản thôn, trong đó có gần 20 năm giữ chức vụ Trưởng thôn 1 nên đã quen từng con ngõ, hiểu từng hoàn cảnh của người dân sở tại. Làm đại lý thu BHXH từ năm 2007 đến nay, ông không nhớ được mình đã đến bao nhiêu nhà, đã gặp bao nhiêu người để lan tỏa các chính sách BHXH. Thành công có, thất bại cũng nhiều, nhưng ông luôn có một niềm tin rằng mình trách nhiệm và tận tụy thì mọi người sẽ tin và hưởng ứng tham gia.

Ông Phạm Văn Khánh, xã Hòa Thành (huyện Krông Bông) đến tận nhà dân tuyên truyền chính sách BHXH.

Khi đến tuyên truyền cho người dân, những dẫn chứng mà ông đưa ra để thuyết phục người dân là những câu chuyện bằng người thực, việc thực tại địa bàn thôn, xã đã tham gia BHXH tự nguyện và BHYT, khi đau bệnh đã được hưởng các quyền lợi. Với cách làm ấy, hằng năm ông luôn duy trì khoảng 600 khách hàng tham gia BHYT thường xuyên. Còn BHXH tự nguyện, dù mới tiếp cận và khai thác nhưng ông cũng đã vận động được khoảng 20 người tham gia.

Chia sẻ kinh nghiệm 15 năm gắn bó với công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, ông Khánh tâm sự, ở một xã vùng sâu, vùng xa như xã Hòa Thành, không phải người dân nào cũng hiểu được tính ưu việt của chính sách BHXH. Ban đầu ông đi vận động từ những người thân, bạn bè. Khi có một lượng khách hàng ổn định, ông bắt đầu mở rộng đến các thôn khác. Dù ở đâu, với đối tượng nào, ông luôn tuyên truyền tận tâm, tận tình.

Nữ tuyên truyền viên nhiệt huyết

Tại huyện Krông Năng, nhiều người dân, khách hàng tham gia BHXH không còn xa lạ với chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1973, ở thôn Tân Mỹ, xã Ea Toh, huyện Krông Năng) - đại lý thu của BHXH, BHYT tại địa phương.

Hơn 16 năm qua, dù bận rộn với công việc nương rẫy, việc gia đình nhưng chị vẫn kiên trì đến từng hộ dân tại các thôn trên địa bàn xã để tuyên truyền chính sách BHXH. Tùy vào thời gian sinh hoạt, làm việc của khách hàng mà chị lựa chọn thời điểm tuyên truyền, vận động phù hợp, tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Theo đó, đối với các tiểu thương buôn bán ở chợ, cửa hàng tạp hóa, chị tranh thủ vào giờ hành chính để đến tiếp cận, tuyên truyền. Đối tượng này dù số lượng không nhiều nhưng lại là khách hàng tiềm năng, bởi điều kiện kinh tế của họ khá giả. Tuy nhiên, do bận việc nên họ ít có thời gian để nghe thông tin về chính sách của BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện. Do đó, khi được tuyên truyền, hiểu rõ quyền lợi, chế độ, nhiều người đã chủ động liên hệ lại với chị để đăng ký tham gia. Còn với đối tượng khách hàng là nông dân, chị thường tranh thủ vào buổi tối, khi mọi thành viên trong gia đình đều có mặt ở nhà để dễ dàng thuyết phục họ tham gia.

Chị Nguyễn Thị Xuân tuyên truyền chính sách BHXH cho người dân xã Ea Toh (huyện Krông Năng).

Đến giữa tháng 11/2022, chị Xuân đã vận động được hơn 1.000 khách hàng tham gia BHYT và khoảng 200 người tham gia BHXH tự nguyện. Nhớ lại những ngày đầu làm đại lý thu, chị kể: Thời điểm năm 2006 - 2007, điện thoại không phổ biến như bây giờ nên những người làm đại lý thu như chị phải đến tận nhà tuyên truyền, vận động. Do không có điện thoại hẹn trước, có những trường hợp đến 2 - 3 lần mới gặp. Cứ thế, sự nhiệt tình, tâm huyết của chị đã tạo được chữ tín với khách hàng và thu được thành quả như hôm nay.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 900 nhân viên làm công tác thu BHYT, BHXH tự nguyện. Trong những năm qua, họ đã không ngừng nỗ lực đưa chính sách BHYT, BHXH tự nguyện của Đảng và Nhà nước đến với người dân từng thôn, buôn, tổ dân phố. Họ chính là cầu nối góp phần không nhỏ trong việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT cũng như hoàn thành chỉ tiêu BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.

Báo Đắk Lắk

  • TIN BÀI LIÊN QUAN