Chống trục lợi quỹ ốm đau, thai sản
02/01/2022 02:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bài 1 Muôn kiểu gian lận Không đi KCB nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH; không tham gia đóng BHXH nhưng vẫn được hưởng chế độ; mượn hoặc lập khống hồ sơ để hưởng chế độ thai sản, tử tuất… là những hành vi trục lợi quỹ BHXH đã bị phát hiện trong thời gian gần đây.
Cấp khống hàng nghìn GCN
Cuối tháng 5/2021, BHXH tỉnh Bình Dương có báo cáo về việc phát hiện cơ sở KCB cấp khống hàng nghìn GCN nghỉ việc hưởng BHXH tại Công ty CP BVĐK Hồng Phúc Sài Gòn (phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trước đó, kết quả kiểm tra của BHXH tỉnh cho thấy, trong quý IV/2020, cơ sở này cấp không đúng quy định 2.174 GCN cho NLĐ, trong đó có 2.132 GCN cho người không đến khám bệnh và 42 GCN cấp sai quy định về thời gian khám.
Theo Biên bản kiểm tra, dù chỉ có 3 bác sĩ được quyền cấp GCN, nhưng “năng suất” cấp tại đây lại rất cao. Điển hình, trong ngày 26/10/2020 có 245 GCN được cấp, trong đó riêng bác sĩ Trưởng khoa Nội cấp 218 GCN; bác sĩ Trưởng khoa Sản cấp 27 GCN. Trong tổng số 245 GCN đã cấp, có 125 GCN được cấp cho NLĐ đang làm việc tại Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam. Đáng nói, theo Bảng chấm công của Công ty Hồng Phúc, ngày bác sĩ Trưởng khoa Nội và Khoa Sản cấp GCN cho NLĐ cũng là ngày 2 bác sĩ này nghỉ việc. Đặc biệt, ngày 2/11/2020 và ngày 7/12/2020 là ngày nghỉ của bác sĩ Trưởng khoa Nội nhưng có đến 395 GCN có xác nhận của bác sĩ này. Ngoài ra, cơ sở KCB này cũng chưa tham gia BHXH cho đủ số NLĐ đang làm việc tại đây theo quy định…
Khoảng cuối năm 2019, trong quá trình kiểm tra chứng từ để giải quyết hồ sơ thai sản cho NLĐ theo đề nghị của Công ty TNHH Lạc Tỷ II (huyện Châu Thành A, Hậu Giang), BHXH tỉnh Hậu Giang nhận thấy nhiều GCN do TTYT huyện Phụng Hiệp cấp có dấu hiệu bất thường như: Các trường hợp thai sản đều được chẩn đoán sảy thai từ 5 đến 7 tuần tuổi; sảy thai nhưng đều do bác sĩ của Khoa Nhi cấp và ký xác nhận trên GCN; các trường hợp nêu trên đều thể hiện mã thẻ BHYT trên GCN, nhưng khi kiểm tra trên Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam thì không có dữ liệu KCB…
Từ những bất thường trên, BHXH tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Công an tỉnh phối hợp xác minh. Tại Công ty TNHH Lạc Tỷ II, cơ quan chức năng đã làm việc trực tiếp với 18 người được cấp GCN với chẩn đoán sảy thai tự nhiên từ 5 đến 7 tuần. Kết quả, có 17 trường hợp thừa nhận mua GCN từ một người không rõ tên làm cùng Công ty, mức giá mua dao động từ 2,8-3,6 triệu đồng/GCN tùy thuộc vào thời gian NLĐ làm việc. Trong số 17 trường hợp trên, có 15 trường hợp khai nhận không có thai, mà mua GCN để được thời gian nghỉ dài giải quyết chuyện gia đình; 2 trường hợp có thai nhưng xử lý tại cơ sở tư nhân, mua GCN để hợp thức hóa hồ sơ và được nghỉ chế độ…
Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật BHXH, BHXH tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) tiếp tục phối hợp điều tra làm rõ hành vi mua bán GCN tại TTYT huyện Phụng Hiệp. Kết quả, đã phát hiện thêm 140 trường hợp GCN cấp khống như các trường hợp nêu trên. Qua phối hợp xác minh cho thấy, từ tháng 9/2018 đến tháng 12/2019, TTYT huyện Phụng Hiệp đã cấp khống 225 GCN và TYT xã Tân Bình cấp 1 GCN cho NLĐ để thanh toán chế độ. Trong 226 trường hợp nêu trên, BHXH tỉnh đã chi trả cho 211 trường hợp với tổng số tiền 992.156.944 đồng, còn lại 15 trường hợp chưa được chi trả. Sau khi có kết luận chính thức, BHXH tỉnh Hậu Giang đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an tỉnh để xem xét khởi tố theo quy định.
Nhiều hình thức trục lợi
Luật BHXH năm 2014 đã sửa đổi nhiều quy định về chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK theo hướng có lợi cho người tham gia BHXH, BHYT; đồng thời nâng cao mức hưởng để đảm bảo thu nhập cho NLĐ trong thời gian nghỉ việc. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy, các quy định này đang bị một số tổ chức, cá nhân lạm dụng để trục lợi, gây thất thoát nguồn quỹ BHXH.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm 2020, cả nước có 64.552 trường hợp NLĐ giải quyết hưởng chế độ thai sản (sinh con) có thời gian tham gia BHXH bắt buộc chỉ từ 6 tháng đến 8 tháng, chiếm 10% trên tổng số lượt người giải quyết chế độ này. Từ năm 2018 đến nay, BHXH một số tỉnh, thành phố liên tục phát hiện được các trường hợp trục lợi quỹ ốm đau, thai sản.
Đơn cử như tại TP.HCM, một số cá nhân phối hợp tổ chức chiếm đoạt tiền trợ cấp thai sản và BHXH một lần với số tiền rất lớn là hơn 1,3 tỷ đồng. Tại Hải Dương, một nhân viên nhân sự đã cấu kết lập khống 36 hồ sơ, làm giả 44 hồ sơ thanh quyết toán chế độ thai sản với cơ quan BHXH để chiếm đoạt 867 triệu đồng. Trong khi đó, BHXH tỉnh Vĩnh Long cũng phát hiện Công ty TNHH Truyền thông Online mở hàng loạt chân rết ở nhiều địa phương và mượn hồ sơ của các phụ nữ đang mang bầu để làm thủ tục đóng và hưởng chế độ thai sản, đề nghị thanh toán chế độ thai sản cho 5 trường hợp nhằm trục lợi trên 119 triệu đồng…
Tình trạng NLĐ sử dụng các giấy tờ giả để thực hiện hành vi trục lợi quỹ ốm đau, thai sản cũng xảy ra khá phổ biến. Tại Đồng Nai, sau khi phát hiện tình trạng đối tượng làm giả các chứng từ (GCN nghỉ việc hưởng BHXH, Giấy ra viện…) nộp cho cơ quan BHXH để trục lợi chế độ BHXH, BHXH tỉnh Đồng Nai đã chuyển 116 hồ sơ (với số tiền trục lợi trên 394 triệu đồng) cho cơ quan Công an để xác minh, làm rõ. Một số vụ việc trục lợi khác cũng được phát hiện ở các tỉnh: Nghệ An, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hà Nam…
Trước tình hình trên, BHXH Việt Nam đã có các văn bản hướng dẫn và yêu cầu BHXH địa phương tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý, xét duyệt hưởng chế độ ốm đau, thai sản. Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cũng chủ động có nhiều giải pháp ngăn chặn như: Tăng cường rà soát, kiểm tra, thẩm định hồ sơ trước khi giải quyết; đối soát với dữ liệu thu, dữ liệu KCB để phát hiện các trường hợp tăng lương bất thường trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc
Hội nghị giao ban 9 tháng đầu năm 2024 với công chức Văn ...
BHXH huyện Cư Kuin: Tuyên truyền chính BHXH tự nguyện, BHYT ...
BHXH huyện Lắk: tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho ...
240 hội viên hội phụ nữ huyện Krông Bông được tuyên truyền ...
02 xã đầu tiên của huyện Krông Ana vận động 100% lực lượng ...