Nhiều dịch bệnh bắt đầu vào mùa

08/07/2019 09:15 AM



Nhân viên y tế khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho trẻ. Ảnh: TTXVN
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là những tháng cuối năm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Trong đó, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Khi đưa con đi tiêm, phụ huynh cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình (như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng; có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm) cho cán bộ y tế.

Sau tiêm, cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1-2 ngày sau tiêm (tinh thần, bú mẹ, ăn, ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm...) để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Khi trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt cao từ 39 độ C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú... phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm hãy đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.

Ngoài thực hiện tốt tiêm chủng, người dân cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.


Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần ngăn ngừa được tác nhân gây bệnh là muỗi và lăng quăng/bọ gậy: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hằng tuần diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Khi bị sốt xuất huyết đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ