Tây Nguyên cấp bách triển khai các biện pháp phòng, chống SXH

26/06/2019 09:55 AM



Cán bộ y tế tỉnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại hộ gia đình ở thôn Kon Gung,
xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh:VGP/Bạch Dương
Từ đầu năm đến hết ngày 21/6, cả nước ghi nhận 76.683 trường hợp mắc SXH, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Thọ và Tiền Giang.
Riêng khu vực Tây Nguyên, số ca mắc SXH cao hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây với 5.048 trường hợp mắc, trong đó Gia Lai là 1.864 trường hợp, Đắk Lắk 1.865, Đắk Nông 1.119, Kon Tum 200; chưa có trường hợp tử vong.

Xác định công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2019, phòng chống SXH. Đồng thời đã chỉ đạo Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố quyết tâm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh; triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm.

Tuy nhiên, hiện nay, dịch bệnh SXH đang diễn biến rất phức tạp khi chỉ trong 10 ngày giữa tháng 6 đã có hơn 1.740 người mắc, trong đó Đắk Lắk 809 trường hợp, Gia Lai 581, Đắk Nông 296, Kon Tum 55.

Các tỉnh Tây Nguyên có khí hậu, môi trường và điều kiện kinh tế-xã hội khá đặc thù, nên công tác phòng, chống SXH gặp khá nhiều khó khăn, như: Tập quán trữ nước, dùng nhiều vật dụng để trữ nước không đúng cách là điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes Aegypti, lăng quăng/bọ gậy phát triển. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên, diện tích cao su nhiều, người dân khi khai thác, các chén đựng mủ thường không được xử lý triệt để, sẽ là nơi cư trú, sinh sôi “lý tưởng” của bọ gậy, loăng quăng.

Điều kiện kinh tế của đa số người dân trong khu vực còn gặp nhiều khó khăn, nên ý thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường sống còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không ít đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Một số cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn chưa thực sự quyết tâm vào cuộc để cùng ngành y tế phòng, chống SXH trên địa bàn và không thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy. Công tác truyền thông, hoạt động của đội xung kích, công tác giám sát và xác minh ổ dịch, công tác xử lý ổ dịch có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, kịp thời.

Khám, chữa bệnh cho trẻ em xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh:VGP/Bạch Dương

Nhận định của các chuyên gia trong ngành y tế cho thấy, diễn biến tình hình bệnh SXH trong thời gian tới là rất phức tạp, nếu không có biện pháp phòng ngừa tốt sẽ rất dễ biến thành dịch lớn. Vì thế, các địa phương phải tập trung toàn bộ các nguồn lực để phòng chống SXH ngay từ bây giờ.

Theo đó, các địa phương cần khẩn trương và quyết liệt triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy; xử lý các ổ dịch SXH trong vòng 48 giờ, phun diệt muỗi SXH và diệt lăng quăng/bọ gậy triệt để tại ổ dịch; tăng cường giám sát chỉ số mật độ muỗi và lăng quăng, bọ gậy, phun chủ động diệt muỗi khu vực nguy cơ cao và đủ điều kiện.

Kiện toàn lại các đội xung kích tại các thôn/làng/tổ dân phố để vận động và cùng người dân thực hiện, duy trì công tác diệt lăng quăng, bọ gậy. Tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương vận động và cùng với người dân tham gia phòng chống dịch bệnh SXH.

Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, truyền thông như trực tiếp tại hộ gia đình, tuyên truyền lưu động, trực quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân biết các dấu hiệu mắc bệnh, đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, bảo hộ... để điều trị kịp thời và đáp ứng với các tình huống dịch bệnh./.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ