Xử lý trường hợp trẻ sơ sinh mắc Covid-19

23/02/2022 09:24 PM


Virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, song trẻ em thường ở thể nhẹ, tỷ lệ nhập viện và tử vong ít hơn so với người lớn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ em nhiễm bệnh đang có xu hướng gia tăng.

Trẻ em mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ, tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn. Phần lớn trẻ em mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hoá (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Chỉ có trẻ nhũ nhi < 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Y tế, trẻ sơ sinh nhiễm Covid-19 theo 3 cách: Lây trong tử cung (qua đường máu hoặc nước ối từ mẹ nhiễm SARS-CoV-2); lây trong cuộc đẻ (tiếp xúc dịch tiết mẹ như máu, dịch ối); lây sau đẻ (qua tiếp xúc với mẹ hay người chăm sóc sau sinh). Các dữ liệu khoa học đến nay chưa kết luận đường lây qua sữa mẹ. Trong đó lây nhiễm trước và trong sinh ít khi xảy ra, chủ yếu lây nhiễm trong quá trình chăm sóc sau sinh.

Khoảng từ 1,6- 2% trẻ sơ sinh dương tính với SARS-CoV-2 (thời điểm XN ≤ 3 ngày sau đẻ) từ bà mẹ nhiễm SARS-CoV-2, hầu hết trẻ không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, có thể có biểu hiện nặng với nhiễm trùng huyết, viêm phổi hay tổn thương cơ quan (hội chứng viêm đa hệ thống, MIS-N). Trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 tiên lượng tốt, tử vong rất thấp. Biện pháp phòng bệnh vẫn đóng vai trò quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong của bệnh, đó là tuân thủ 5K, kết hợp với tiêm vắc-xin cho trẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phát hiện sớm và phân tầng điều trị ca bệnh phù hợp với mức độ nặng của bệnh.

Triệu chứng lâm sàng của trẻ em mắc Covid-19 thường không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và không đặc hiệu như sốt, ho, bú kém, nôn, tiêu chảy, trẻ li bì, khóc yếu, thở nhanh, có cơn ngừng thở, tím tái khi nặng. Do đó, nguyên tắc điều trị là không có biện pháp điều trị đặc hiệu; chủ yếu điều trị nâng đỡ, điều trị triệu chứng; điều trị biến chứng nếu có; trẻ nên được chăm sóc bởi mẹ hoặc người thân trong gia đình, tiếp tục bú mẹ và đảm bảo phòng ngừa chuẩn. Lưu ý chỉ đưa trẻ vào đơn vị hồi sức tích cực khi có triệu chứng nặng cần can thiệp và tiếp tục cho ăn sữa mẹ nếu không có chống chỉ định ăn đường ruột.

Thuốc sử dụng có thể dùng Corticoid cho trẻ sơ sinh (cần cân nhắc cẩn thận, chỉ định khi tổn thương phổi và người bệnh phải hỗ trợ thở máy, đồng thời phải loại trừ tình trạng nhiễm trùng nặng, liều dexamethason 0,15 mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch 1 lần x 5-14 ngày); thuốc chống đông dự phòng (chỉ sử dụng khi trẻ có dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch, heparin chuẩn hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp, liều heparin trọng lượng phân tử thấp 1 mg/kg/lần x 2 lần/ngày cách mỗi 12 giờ (tiêm dưới da); hỗ trợ hô hấp: nếu trẻ suy hô hấp do viêm phổi, điều trị hỗ trợ hô hấp với oxy qua gọng mũi, khi trẻ không đáp ứng với oxy gọng mũi 2 lít/p chuyển thở NCPAP, nếu không đáp ứng chuyển đặt NKQ thở máy…

Đặc biệt, khi trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 hay nghi nhiễm, cần chăm sóc cách ly với các trẻ khác để phòng ngừa lây nhiễm; khi mẹ nhiễm SARS-CoV-2, trẻ sinh ra cần được chăm sóc và phòng ngừa lây nhiễm; cho trẻ được da kề da ngay sau sinh với mẹ, kéo dài đến sau 90 phút và hoàn tất cữ bú mẹ đầu tiên (nếu mẹ không có biểu hiện lâm sàng thể nặng, tạo điều kiện cho mẹ và trẻ chung phòng, duy trì nuôi con bằng sữa mẹ, áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm qua con).

Tạp chí BHXH