Tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Nhiều trở ngại từ thực tiễn
09/08/2023 10:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, HSSV là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, nghĩa là BHYT phải luôn bao phủ 100% nhóm dân số ở độ tuổi đến trường, nhưng đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh còn trên 15.000 HSSV chưa tham gia BHYT(chiếm tỷ lệ gần 7% tổng số HSSV).
Theo ngành giáo dục, các HSSV không tham gia BHYT phần lớn thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nhiều HSSV là người dân tộc thiểu số mới thoát khỏi vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ và một số HSSV thuộc đối tượng mới thoát nghèo, cận nghèo, không còn được ngân sách hỗ trợ đóng nên gia đình không đủ điều kiện để đóng cho con em.
Ngoài ra, mức đóng BHYT HSSV hằng năm tăng theo mức lương cơ sở được điều chỉnh cũng gây khó khăn đối với những gia đình đông con đi học. Trong khi đó, biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm HSSV không tham gia BHYT vẫn chưa có; điều này là một trong những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện BHYT đối với HSSV hiện nay, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại các địa phương.
Đơn cử như ở huyện Cư M’gar, toàn huyện có trên 36.700 HSSV, trong đó, có trên 7.200 HSSV thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT, còn lại gần 29.500 em thuộc đối tượng bắt buộc tham gia, nhưng đến ngày 30/6/2023 vẫn còn trên 5.300 HSSV chưa tham gia BHYT; hay tại TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn trên 4.700 em chưa tham gia; huyện Ea H’leo gần 2.700 em, huyện Krông Pắc còn gần 1.900 em…
Theo thống kê của ngành giáo dục, trong tổng số hơn 410.000 HSSV toàn tỉnh có hơn 35% HSSV dân tộc thiểu số, do điều kiện kinh tế còn khó khăn và nhận thức của người dân còn hạn chế nên chưa chú trọng đến việc tham gia BHYT cho con em. Ngoài ra, hiện nay nhiều trường học chưa có nhân viên y tế và cơ sở vật chất để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em; cùng với đó, có những phụ huynh cho rằng việc tham gia khám chữa bệnh bằng BHYT vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, thiếu thuốc nên không tham gia BHYT cho con em mà thay vào đó là mua những gói bảo hiểm nhân thọ.
Trước thực trạng trên, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, để phát triển BHYT HSSV theo mục tiêu đề ra, thời gian tới ngành giáo dục sẽ phối hợp với ngành BHXH tuyên truyền, thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh để tham gia BHYT cho con em; kiện toàn mạng lưới y tế trường học, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; đưa tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT vào tiêu chí đánh giá thi đua của các trường hằng năm…
Cùng với đó, BHXH tỉnh cũng đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước của địa phương để nâng mức hỗ trợ từ 5% lên 20% mức đóng BHYT đối với HSSV trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, theo quy định, ngoài các HSSV đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng ưu tiên như: người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ gia đình nghèo; thân nhân sĩ quan, binh sĩ quân đội, công an…; còn lại, tất cả HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh và có tên trong danh sách HSSV của trường học khi tham gia BHYT đều được Nhà nước hỗ trợ 30% và ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 5%.
Báo Đắk Lắk
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc