Tạo sự gắn kết, đồng thuận, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa BHXH Việt Nam và các DN Nhật Bản (*)
24/10/2023 10:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Hội nghị Đối thoại giữa BHXH Việt Nam và các DN FDI Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT khu vực phía Bắc năm 2023, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có bài phát biểu chào mừng. Tạp chí BHXH giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Thay mặt ngành BHXH Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn và chào mừng các vị khách quý, quý vị đại biểu, đặc biệt là sự hiện diện của lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và đại diện hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản đến dự Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT ngày hôm nay với mong muốn tạo sự gắn kết, đồng thuận, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa BHXH Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời đảm bảo quyền lợi, chế độ an sinh xã hội cho người lao động tại doanh nghiệp. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Thưa các quý vị!
Năm 2023 đánh dấu sự kiện đặc biệt trong quan hệ Việt Nam- Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023). Có thể nói, quan hệ Việt Nam- Nhật Bản luôn được Lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp, bền chặt trên tinh thần như Thủ tướng Chính phủ đã nêu: “Chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất và hiệu quả”. Đây là thời điểm thuận lợi đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất cho Việt Nam; là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 5.000 dự án đầu tư có tổng số vốn đạt gần 70,97 tỷ USD. Hiện có hơn 2.100 doanh nghiệp với số lao động tham gia BHXH là 547.100 người, trong đó có 545.500 lao động Việt Nam, 1.600 lao động nước ngoài; số thu BHXH chiếm hơn 13% tổng thu của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn do đại dịch và hậu đại dịch Covid 19, các doanh nghiệp FDI trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản đã vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ chân người lao động; đóng góp quan trọng vào việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp Nhật Bản chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Việt Nam, trong đó có chính sách pháp luật về BHXH, BHYT.
Thưa quý vị!
Với vai trò là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chính sách BHXH, BHYT, là 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, trong nhiều năm qua, BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực cải cách, đổi mới và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Theo đó, đến tháng 9/2023, BHXH Việt Nam đang phục vụ hơn 92% dân số tham gia BHYT và 17,5 triệu người tham gia BHXH chiếm gần 40% lực lượng lao động.
BHXH Việt Nam đã chủ động tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ về BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 với 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ (theo đó, đã có 99,3% người nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng); đồng thời nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ về ứng dụng CNTT cải cách thủ tục hành chính, đến nay đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; chuyển đổi số nhanh chóng trong từng khâu nghiệp vụ giúp doanh nghiệp, người dân, người lao động tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ, dễ dàng các quyền lợi với tinh thần cải cách nhất; BHXH Việt Nam đã đưa vào sử dụng ứng dụng VssID- BHXH số, giao dịch trên nền tảng thiết bị di động cho cá nhân và hôm nay ra mắt phiên bản tiếng Nhật.
Trong dòng chảy của tiến trình hội nhập quốc tế về lao động, an sinh xã hội và dịch chuyển lao động trong khu vực, ngày càng có nhiều người lao động Nhật Bản sang làm việc ở Việt Nam và người lao động Việt Nam đến làm việc ở Nhật Bản (hiện có trên 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc làm việc tại Nhật Bản; gần 24.000 người Nhật Bản sinh sống và làm việc tại Việt Nam). Trong xu thế đó, chính sách BHXH, BHYT cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam nằm trong tổng thể chính sách an sinh xã hội cho người lao động cần được bảo đảm một cách tốt nhất. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước.
Từ năm 2018 đến nay, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị trong Tổ công tác về Hiệp định BHXH Việt Nam- Nhật Bản trao đổi thông tin và tình hình thực hiện chính sách BHXH tại mỗi nước, dự kiến lộ trình, xây dựng hiệp định mẫu và các thủ tục tiếp theo trước khi hai nước chính thức khởi động đàm phán Hiệp định song phương về BHXH. Đây chắc chắn sẽ là một mốc mới trong quan hệ hợp tác về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân hai quốc gia.
Thưa quý vị và các bạn!
Tiếp nối thành công của Hội nghị đối thoại giữa BHXH Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản khu vực phía Nam tổ chức vào tháng 10/2022, Hội nghị hôm nay được tổ chức với mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, ủng hộ, đồng thuận, đồng hành của doanh nghiệp Nhật Bản với BHXH Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu chung nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động Việt Nam và Nhật Bản- nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của mỗi doanh nghiệp FDI và nền kinh tế Việt Nam, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chủ đề “Đồng hành và Phát triển” tổ chức ngày 16/10/2023 vừa qua với quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh, hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam.
Để chuẩn bị cho sự kiện có ý nghĩa này, BHXH Việt Nam đã tiến hành khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có nhiều doanh nghiệp đang có mặt ở đây để tổng hợp, tiếp thu và phản hồi với các quý vị; đồng thời chúng tôi cũng mong sẽ tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến góp ý, trao đổi, đối thoại thẳng thắn, có tính xây dựng từ các doanh nghiệp Nhật Bản trong phần đối thoại của Hội nghị này để giúp cho ngành BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tham vấn ý kiến, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Sự hiện diện của Ngài YAMADA Takio- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Ngài Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao và các vị đại diện Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tại Hội nghị này là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ hai nước đối với mục tiêu mà hai phía chúng ta cùng hướng tới.
Trên tinh thần đó, Tôi xin tuyên bố khai mạc “Hội nghị đối thoại giữa BHXH Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT" và một lần nữa, Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ngài Đại sứ, Ngài Thứ Trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và lời chào mừng nồng nhiệt đến tất cả các quý vị đại biểu, các vị khách quý và lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản tham dự Hội nghị ngày hôm nay.
Chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
(*) Tiêu đề do BBT đặt
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc